Tác giả: Jeannette Y.Wick, RPh, MBA, FASCP
Người dịch: DS Phan Thị Xuân Hương
Bài viết trên PharmacyTimes (ngày 17/05/2016)
Bệnh nhân đái tháo đường thường mang gánh nặng phải uống nhiều thuốc, vì vậy dược sĩ cần đặc biệt chú ý đến những tương tác có khả năng xảy ra với các thuốc điều trị đái tháo đường.
Tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng độc tính của thuốc, và việc dùng nhiều thuốc gây khó cho việc tuân thủ điều trị và còn làm tăng thêm các tác dụng phụ có hại.

Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng các thuốc tim mạch được lựa chọn cẩn thận mang lại những lợi ích vượt quá các nguy cơ của chúng. Thêm vào đó, dược sĩ cần biết:
– Nhóm sulfonylurea, thiazolidinedione, meglitinide, và các thuốc ức chế 4- dipeptidyl- peptidase (DDP-4) nhạy cảm nhất với những tương tác thuốc.
– Nhóm đồng vận GLP-1, nhóm ức chế SGLT-2 ít chịu ảnh hưởng bởi các tương tác thuốc nhất.
– Thầy thuốc lâm sàng cần cân nhắc sự thay đổi về hấp thu và vận chuyển thuốc, các loại thảo dược uống cùng, các tương tác của hệ thống cytochrome P450 khi chọn lựa thuốc kê đơn cho bệnh nhân đái tháo đường.
Một nhóm các nhà nghiên cứu gần đây đã đề cập đến những tương tác dược động học và dược lực học của các thuốc điều trị đái tháo đường trong một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Therapeutic Advances in Endocrinology and Metabolism số tháng 4 năm 2016.
Các tác giả của nghiên cứu đã thực hiện tổng quan y văn bằng cách sử dụng các từ khóa: tương tác thuốc, đái tháo đường type 2/điều trị thuốc, thuốc hạ đường huyết/tác dụng phụ. Họ cũng soạn ra một tài liệu tổng hợp để nhắc nhở dược sĩ về các tương tác thuốc một cách ngắn gọn và kĩ lưỡng.
Dưới đây là một số kết quả quan trọng của nhóm tác giả:
– Hạ đường huyết gây ra bởi nhóm sulfonylurea càng trầm trọng hơn nếu được dùng chung với các thuốc kháng nấm azole, clarithromycin, verapamil, các thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI), nhóm ức chế DPP-4, nhóm đồng vận GLP-1.
– Tăng độc tính của Metformin có thể gây ra bởi các thuốc kháng cholinergic do tăng hấp thu thuốc và các chất gây độc cho thận (ví dụ: chất cản quang có chứa iod).
– Các thuốc ức chế CYP P450 2C8 làm tăng độc tính của Thiazolidinedione (ví dụ: ketoconazole, gemfibrozil, rifampicin, fluvoxamine và trimethoprim)
– Nồng độ của saxagliptin bị ảnh hưởng bởi các thuốc ức chế và cảm ứng CYP3A4, và các thuốc ức chế men chuyển làm tăng nguy cơ phù mạch do bradykinin.
– Nhân sâm cảm ứng enzym CYP3A4 (làm giảm nồng độ của các thuốc glibenclamide, pioglitazone, nhóm meglitinide, sitagliptin và saxagliptin) và kích thích tiết insulin.
– St. John’s wort cảm ứng enzym CYP3A4, 1A2, 2D6 và 2E1 (làm giảm nồng độ các thuốc nhóm sulfonylurea, thiazolidinedione, meglitinide, các thuốc ức chế DPP-4) và cảm ứng bơm p-glycoprotein.
– Các thuốc nhóm sulfonylurea, thiazolidinedione và meglitinide bị ảnh hưởng bởi những tương tác của hệ thống enzyme chuyển hóa thuốc ở gan, độc tính của metformin biểu hiện gián tiếp qua sự gây độc cho thận, các thuốc ức chế DPP-4 ít chịu ảnh hưởng bởi hệ thống enzyme gan.