Lưu ý khi cắt liều thuốc

Trong điều trị bệnh lý, cắt liều thuốc có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự hồi phục của bệnh nhân. Đây cũng là việc đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn của người dược sĩ. Vậy khi cắt liều thuốc cần lưu ý những vấn đề gì? 

  • Cắt liều theo toa thuốc kê đơn

1.1 Kiểm tra đơn thuốc 

Thuốc kê đơn được hiểu đơn giản là những loại thuốc được bán ra theo đơn thuốc được bác sĩ kê cho người bệnh. Khi dược sĩ nhận được đơn thuốc, việc đầu tiên phải kiểm tra lại đơn thuốc để xem có hợp lệ hay không, hoặc có sai sót gì trong đơn thuốc hay không. 

 

Tính hợp lệ của đơn thuốc: Đơn thuốc đúng theo mẫu quy định; Có đủ tên, chữ ký, địa chỉ, dấu phòng khám/ bệnh viện của bác sĩ; Đối với thuốc gây nghiện: đối chiếu chữ ký của bác sỹ trong đơn với bản đăng ký bác sĩ kê đơn gây nghiện; Thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc nếu số lượng chỉ có một chữ số thì phải có số 0 phía trước; số ngày chỉ định không được quá 10 ngày.

 

Kiểm tra các mục khác: Kiểm tra tên, tuổi, địa chỉ bệnh nhân. Với trẻ dưới 72 tháng tuổi: ghi số tháng tuổi và ghi tên bố hoặc mẹ; Kiểm tra tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, số lượng, cách dùng, liều dùng, cách phối hợp

 

Có nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng đơn thuốc cũ của người khác để mua thuốc khi nhận thấy có các biểu hiện tương tự. Phần đông người dân Việt Nam thường có thói quen sử dụng “đơn thuốc chung”. Đây là một thói quen khá nguy hiểm bởi mỗi cá nhân sẽ có những bệnh trạng khác nhau. Việc sử dụng toa thuốc bắt chước theo bệnh trạng của người khác sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho người bệnh. Dược sĩ cần lưu ý các trường hợp này để có tư vấn phù hợp cho bệnh nhân và cho lời khuyên nên kiểm tra tình trạng từ bác sĩ. 

1.2 Lấy thuốc đúng theo đơn

Chọn loại thuốc:

Trường hợp đơn thuốc kê tên biệt dược: Dược sĩ sẽ bán thuốc theo đúng đơn bao gồm đúng loại thuốc và liều lượng.

Trường hợp tại nhà thuốc không có biệt dược kê trong đơn hoặc trường hợp đơn thuốc kê tên gốc hoặc khi có yêu cầu tư vấn, giới thiệu thuốc từ người bệnh, dược sĩ cân nhắc thay thế bằng các thuốc tương tự có cùng hoạt chất, dạng bào chế, chỉ định, hàm lượng. 

Lưu ý: Tuyệt đối không khuyến khích bệnh nhân mua lượng thuốc nhiều hơn lượng thuốc cần thiết điều trị. 

Lấy thuốc:

Lấy thuốc theo đơn đã kê hoặc thuốc khách hàng đã chọn 

Đối với thuốc phải ra lẻ: lấy thuốc theo đơn đã kê, cho vào các bao, gói, ghi rõ tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, cách dùng, thời gian dùng của từng thuốc theo đơn đã kê.

Ghi vào đơn: Tên thuốc, hàm lượng, số lượng thuốc đã thay thế (nếu có)

Hướng dẫn cách dùng.

Hướng dẫn, giải thích cho khách hàng về: Tác dụng, chống chỉ định; Tác dụng không mong muốn; Liều lượng và cách dùng thuốc, thời gian dùng từng thuốc. Dặn bệnh nhân liên hệ ngay với nhà thuốc hoặc bác sĩ nếu có vấn đề về dị ứng thuốc hoặc gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Đối với cắt liều thuốc OTC (thuốc không kê đơn), dược sĩ cần nắm vững kiến thức để hỏi về các triệu chứng để bán đúng thuốc và hiệu quả. Một dược sĩ có kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng sẽ có ưu thế khai thác được nhiều thông tin về bệnh lý hơn và cắt liều thuốc hợp lý cho khách hàng. 

 

Bên cạnh kỹ năng hỏi bệnh, thì việc cắt liều thuốc OTC cần đảm bảo được ba tiêu chí sau: 

  • Hiệu quả: Dược sĩ phải đảm bảo cắt liều thuốc cho khách hàng đúng theo bệnh lý. Dược sĩ cần áp dụng đúng liều lượng, phân loại thuốc rõ ràng và hướng dẫn sử dụng cụ thể từng loại thuốc cho người bệnh. Cách sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tác động của một số loại thuốc.
  • An toàn: Dược sĩ cần tư vấn cho bệnh nhân những tương tác thuốc có thể gặp trong đơn. Một số loại thuốc có tương tác với thức ăn hằng ngày, cần lưu ý bệnh nhân tránh những thực phẩm ảnh hưởng đến tác động của thuốc. Tư vấn cho người bệnh những tác dụng phụ thường gặp, và giải pháp để khắc phục.

  • Phù hợp: Cắt liều thuốc phù hợp với từng đối tượng người bệnh. Ví dụ thuốc bán cho trẻ em nên chọn những loại thuốc có vị ngọt, dễ uống, và dạng bào chế dễ sử dụng như siro, bột sủi, viên bao đường,…. Bán thuốc cho người cao tuổi thì cần chú ý đến những bệnh mắc kèm hay thuốc dùng kèm. Phụ nữ có thai và cho con bú cũng là đối tượng cần đặc biệt quan tâm, cần kiểm tra lại thật kỹ chỉ định của thước và cân nhắc để lựa chọn thuốc phù hợp. 

 

Cắt liều thuốc OTC đòi hỏi người dược sĩ cần có nhiều kinh nghiệm, sự quan sát trong suốt quá trình bán hàng bởi nhiều bệnh lý thường có các dấu hiệu tương tự nhau, rất dễ gây ra nhầm lẫn. Đối với cắt liều thuốc ETC, dược sĩ cần kiểm tra thông tin đơn thuốc từ bác sĩ thật cẩn thận, đặc biệt với các nhóm thuốc gây nghiện và hướng thần và lựa chọn nhãn hàng thuốc chất lượng với giá thành giúp bệnh nhân. Với những lưu ý ở trên, hy vọng phần nào giúp bạn đọc nắm bắt được cách cắt liều thuốc phù hợp cho bệnh nhân