Chi phí là điều nhiều dược sĩ khi có dự định mở nhà thuốc đều băn khoăn. Đừng lo lắng, cùng tôi – DS Trần Thị Phương Dung – theo dõi bài viết để xem các chi phí cần thiết khi mở nhà thuốc nhé!

1. Chi phí mặt bằng
Đối với việc kinh doanh cửa hàng thuốc, mặt bằng đóng một vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Nếu bạn chưa có sẵn mặt bằng và phải đi thuê cửa hàng thì tiền thuê mặt bằng cũng có sự khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố diện tích, địa điểm…
Đối với mặt bằng nhà thuốc, yêu cầu tối thiểu phải đạt từ 15m2. Bạn có thể lựa chọn mở cửa hàng tại những nơi đông dân cư, người qua lại.
Qua khảo sát, tôi nhận thấy tiền thuê mặt bằng ở vùng nông thôn thường rẻ hơn, dao động từ 3-5 triệu một tháng tùy vào diện tích. Còn mặt bằng cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Hồ Chí Minh sẽ cao hơn, thường là từ 7-15 triệu đồng với diện tích từ 25-50m2. Cửa hàng thuốc tôi mở tại một khu dân cư tại Hà Nội với mật độ dân số khá đông đúc. Chi phí mặt bằng tôi bỏ ra là 10 triệu đồng/ tháng. Một điều cần chú ý khi đi thuê mặt bằng là hợp đồng thuê cửa hàng. Nếu bạn có nhiều vốn thì có thể ký hợp đồng 3, 6 đến 12 tháng tiền thuê nhà. Tuy nhiên nếu số vốn có hạn thì bạn có thể ký hợp đồng trả tiền theo từng tháng.
2. Chi phí cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất, trang thiết bị là một phần chi phí mở nhà thuốc không thể nào thiếu. Chủ yếu bạn sẽ chi vào việc chuẩn bị giá kệ, tủ thuốc, tủ lạnh bảo quản thuốc, nhiệt kế, điều hòa, máy tính, biển hiệu… Chi phí cơ sở vật chất hết nhiều hay ít phụ thuộc vào việc bạn đầu tư bao nhiêu vào đó. Tôi đã chi khoảng 50 triệu cho việc chuẩn bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu nhất cho cửa hàng và sử dụng đồ mới hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể cân nhắc mua thanh lý tủ kệ từ các nguồn trên mạng internet. Bên cạnh đó, tôi có đầu tư thêm vào các phần mềm quản lý bán hàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

3. Chi phí hàng hóa
Chi phí hàng hóa chính là số tiền bỏ ra để nhập hàng bao gồm thuốc, dụng cụ y tế… Đây là khoản kinh phí bạn cần phải cân nhắc rất nhiều bởi nó chiếm phần lớn trong số vốn để kinh doanh nhà thuốc của bạn. Với số vốn không nhiều, tôi đã lên kế hoạch cụ thể về danh mục các loại thuốc, vật tư y tế cần thiết để cân đối chi phí sử dụng hiệu quả nhất. Tôi tập trung nhập các mặt hàng thuốc thông dụng như giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc dạ dày, thuốc ho… Bên cạnh đó, tôi tìm đến các công ty dược, chợ bán sỉ để tìm đầu mối nhập hàng với giá cả và chiết khấu phù hợp. Tổng số chi phí hàng hóa ban đầu ước tính khoảng 70 – 100 triệu đồng.
4. Chi phí nhân sự
Khoản phí dành cho nhân sự cũng là một khoản bạn cần tính vào chi phí mở nhà thuốc tùy thuộc vào nhu cầu và quy mô của nhà thuốc. Thời điểm đầu khi tôi mới mở nhà thuốc, quy mô nhỏ và lượng khách hàng chưa đông nên tôi tự mình quản lý và bán hàng. Vì vậy, tôi chưa mất khoản chi cho nhân sự. Tuy nhiên sau này khi nhà thuốc đi vào hoạt động và có lượng khách hàng nhất định, tôi có thuê thêm một dược sĩ bán hàng. Để tiết kiệm các khoản chi tiêu, tôi ưu tiên lựa chọn sinh viên mới ra trường với mức lương khoảng 6 triệu đồng ( thời điểm năm 2020). Gần đây, khi mở rộng quy mô nhà thuốc, tôi cũng tuyển dụng thêm nhân sự có kinh nghiệm phụ trách quản lý với mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng.

Chi phí nhân sự còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như số lượng, kinh nghiệm và bằng cấp. Mức lương của dược sĩ tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp sẽ khác với dược sĩ đại học. Bạn nên có kế hoạch cụ thể về tuyển dụng nhân sự nhà thuốc để ước tính được chi phí nhân sự cụ thể.
Tạm kết
Tóm lại, chi phí mở nhà thuốc của tôi dao động khoảng 180- 200 triệu đồng. Đây cũng là mức chi phí mở nhà thuốc tối thiểu ở khu vực thành phố. Nếu bạn mở ở khu vực nông thôn thì mức chi phí có thể giảm bớt nhờ chi phí mặt bằng và nhân sự. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn đã ước tính được số vốn cần có để kinh doanh cửa hàng thuốc.
DS Trần Thị Phương Dung