Cách xử trí đối với hạ đường huyết quá mức

Glucose là nguồn nguyên liệu chính mà cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng, đảm bảo hoạt động bình thường của các hệ cơ quan. Nồng độ glucose máu (gọi là đường huyết) thay đổi lên xuống trong ngày trong một khoảng nhất định bình thường. Đường huyết giảm quá thấp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, xử trí kịp thời hạ đường huyết quá mức là rất quan trọng trong việc giảm các kết cục xấu có thể xảy đến cho bệnh nhân. Các dược sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân một  số phương pháp để xử trí hạ đường huyết quá mức qua bài viết sau đây. 

1. Tổng quan về hạ đường huyết

1.1 Các mức độ hạ đường huyết

Hạ đường huyết được chia thành 3 mức độ tùy thuộc vào nồng độ glucose trong máu [1]:

  • Độ 1: Nồng độ glucose trong máu <70 mg/dL (3.9 mmol/L) và  ≥54 mg/dL (3.0 mmol/L).
  • Độ 2: Nồng độ glucose trong máu <54 mg/dL (3.0 mmol/L). 
  • Độ 3: Xảy ra biến cố trầm trọng đặc trưng bởi sự thay đổi trạng thái tâm thần và/hoặc thể chất, cần hỗ trợ điều trị tình trạng hạ đường huyết, bất kể mức độ đường huyết của bệnh nhân.

Hạ đường huyết nặng (độ 2-3) ít khi xảy ra; khi đó, nồng độ đường huyết giảm thấp đến mức bạn không thể tự điều trị.

1.2 Dấu hiệu hạ đường huyết 

Thông thường, trước khi đường huyết của một người giảm xuống mức thấp nghiêm trọng, một số dấu hiệu và triệu chứng sớm có thể xuất hiện như chóng mặt, mệt mỏi, run rẩy, đau nhức đầu, da xanh xao, đổ mồ hôi, đánh trống ngực/nhịp tim đập nhanh và các dấu hiệu khác như cảm giác đói, tê vùng môi, lưỡi hoặc má [2].

Khi đường huyết tiếp tục giảm thấp, các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể xuất hiện như lú lẫn, lo lắng hoặc khó chịu, mất điều hoà vận động, run rẩy và mờ mắt. Đường huyết quá thấp có thể làm ngừng hoạt động bình thường của não bộ, dẫn đến mất ý thức, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong [2,3].

Bệnh nhân hạ đường huyết có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt
Bệnh nhân hạ đường huyết có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt

2. Phương pháp xử trí hạ đường huyết quá mức kịp thời

Hạ đường huyết quá mức là một tình trạng nguy hiểm và cần được điều trị ngay lập tức [2,3]. Nguyên tắc xử trí hạ đường huyết quá mức là nhanh chóng nâng mức đường huyết đến khoảng an toàn mà không gây tăng đường huyết bằng thực phẩm hoặc đồ uống chứa lượng đường cao hoặc bằng thuốc [2-7]. Chiến lược điều trị lâu dài cần xác định và xử trí nguyên nhân gây hạ đường huyết [2-7].

2.1 Quy tắc 15-15 

Quy tắc 15-15 có thể áp dụng để xử trí hạ đường huyết quá mức nếu mức đường huyết của bệnh nhân nằm trong khoảng 54-69 mg/dL (hạ đường huyết độ 1) theo các bước: 

  • Nạp 15 g carbohydrate bằng đường uống, 
  • Kiểm tra lại đường huyết mao mạch sau 15 phút
  • Lặp lại quy trình nếu đường huyết vẫn dưới ngưỡng mục tiêu.

Một số chế phẩm chứa hàm lượng tương đương 15 g carbohydrate như 4 viên nén glucose (đường tinh khiết), 1 muỗng lớn đường/mật ong/siro bắp, 5-6 viên kẹo cứng, 1 cốc sữa, khoảng 120 mL nước ép cam hoặc 180 mL soda thông thường.

Nếu bữa ăn kế tiếp còn cách hơn 1 giờ, có thể cho bệnh nhân ăn nhẹ để phòng tránh nguy cơ tái xuất hiện hạ đường huyết.

Dùng đường để xử trí hạ đường huyết quá mức ngay lập tức
Dùng đường để xử trí hạ đường huyết quá mức ngay lập tức

2.2 Glucagon khẩn cấp 

Nếu tình trạng hạ đường huyết trầm trọng hơn, bệnh nhân cần được xử trí với glucagon (nếu có). Glucagon là một loại hormone có tác dụng làm tăng nồng độ đường huyết, có thể được sử dụng dưới qua đường tiêm bắp, tiêm dưới da, đường tĩnh mạch hoặc hít mũi. Thời gian đáp ứng vào khoảng 10-15 phút và có thể dùng lặp lại sau 15 phút nếu cần.

Vì glucagon có thể tiêm bắp nên tất cả bệnh nhân đái tháo đường đang dùng insulin (hoặc gia đình họ) cần luôn mang theo glucagon và biết cách tiêm khi cần thiết.

Cần gọi cấp cứu nếu không có sẵn glucagon, bệnh nhân không đáp ứng với glucagon khẩn cấp hoặc mức đường huyết vẫn thấp ngay cả khi đã dùng glucagon.

2.3 Glucose truyền tĩnh mạch 

Tại cơ sở y tế, bệnh nhân có thể được xử trí hạ đường huyết quá mức nhanh bằng cách truyền tĩnh mạch 50 mL dung dịch glucose (dextrose) 50% đường tĩnh mạch, chứa 25 g glucose.

Theo dõi tình trạng ý thức bệnh nhân và kiểm tra lại đường huyết mao mạch 15-30 phút sau tiêm truyền. Nhắc lại các liều dung dịch glucose 50% hoặc truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5-10% có thể cần thiết để duy trì nồng độ glucose máu phù hợp.

Thiếu glucose não (rối loạn ý thức, các biểu hiện giống co giật, các tổn thương thần kinh trung ương) có thể phải mất một thời gian mới hồi phục hoàn toàn được. Nếu các bất thường vẫn còn tồn tại trên 30 phút sau khi truyền glucose và không còn hạ đường huyết thì phải tìm kiếm các nguyên nhân khác bằng chụp CT sọ não và các xét nghiệm phù hợp.

Tại các cơ sở y tế, bệnh nhân có thể được truyền tĩnh mạch dung dịch glucose
Tại các cơ sở y tế, bệnh nhân có thể được truyền tĩnh mạch dung dịch glucose

3. Phòng ngừa hạ đường huyết quá mức ở bệnh nhân đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường có thể ngăn ngừa hạ đường huyết bằng một số biện pháp như [2,6]:

  • Sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM) để đo mức đường huyết định kỳ và cảnh báo nếu mức đường huyết xuống dưới ngưỡng mục tiêu.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống thường ngày đầy đủ carbohydrate để giữ mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu.
  • Cần phải kiểm tra lượng đường trong máu trước, trong và sau khi hoạt động thể chất do nó có thể làm giảm lượng đường trong máu trong suốt quá trình hoạt động và nhiều giờ sau đó. Đồng thời điều chỉnh lượng thuốc hoặc lượng carbohydrate để phòng ngừa hạ đường huyết.

Kết luận 

Hạ đường huyết quá mức có thể đe dọa tính mạng và có thể xảy ra ở tất cả mọi người chứ không chỉ giới hạn ở bệnh nhân đái tháo đường. Các dược sĩ cần tư vấn cho bệnh nhân và người nhà biết các dấu hiệu để kịp thời xử trí hạ đường huyết quá mức. Tùy thuộc vào độ nặng của tình trạng hạ đường huyết, một số biện pháp có thể áp dụng bao gồm quy luật 15-15, glucagon khẩn cấp và glucose truyền tĩnh mạch.

Bùi Nguyễn Yên Chi, Phan Thị Anh Thư, Nguyễn Hoàng Nam

Cố vấn chuyên môn: Võ Phùng Nguyên