Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính và thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, do đó bệnh nhân cần phải được theo dõi đều đặn và điều trị lâu dài. Vì vậy việc lựa chọn các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp là hết sức quan trọng để không những đảm bảo hiệu quả mà còn phù hợp với tuân trị của bệnh nhân trong thời gian dài.
Các lựa chọn đầu tay trong điều trị tăng huyết áp: (1,2)
- Thuốc lợi tiểu thiazide và thiazide-like
- Thuốc chẹn kênh canxi (CCB)
- Thuốc ức chế men chuyển (ACEi)
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) .
- Thuốc chẹn beta (7,8)
Bên cạnh đó thuốc chẹn beta (BB) được khuyến cáo bắt buộc khi bệnh nhân có suy tim, đau thắt ngực, rung nhĩ, phụ nữ có thai hoặc bệnh nhân cần kiểm soát tần số nhịp.
1. Nhóm thuốc ức chế hệ thống renin – angiotensin – aldosterone (RAAS)
- Thuốc ức chế men chuyển (captopril, lisinopril, ramipril, perindopril,…)
- Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (losartan, valsartan, telmisartan, azilsartan,…)
- Thuốc ức chế renin trực tiếp- DRIs (aliskiren)
ACEi, ARB là những nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp đầu tay có tác dụng mạnh, hiệu quả, phần lớn an toàn và còn được chỉ định ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim/suy tim phân suất tống máu giảm. Đây là nhóm thuốc hạ áp duy nhất có bằng chứng giúp làm giảm nguy cơ bệnh thận mạn giai đoạn cuối và làm giảm tiến triển suy thận.
Nhóm thuốc ACEi thường được dung nạp tốt nhưng có 2 tác dụng phụ nổi bật là tăng kali máu và ho khan, ARBs được coi là thuốc thay thế vì tỷ lệ ho ít hơn.
Nhóm thuốc ARB có tác dụng trong 24 giờ với 1 liều dùng một lần mỗi ngày (trừ losartan). Thuốc ARB có một số tác dụng phụ tương tự ACEi như tăng kali máu, tụt huyết áp. Phù mạch là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong. So với ACEi, các ARB ít gây phù mạch hơn.
Các thuốc RAASi chống chỉ định cho phụ nữ có thai, tăng kali máu, hẹp động mạch thận hai bên và cân nhắc sử dụng ở phụ nữ cho con bú.
2. Thuốc chẹn kênh calci (CCB)
- Nhóm dẫn chất dihydropyridin – DHP (amlodipine, felodipine, nifedipine, nicardipine,…)
- Nhóm dẫn chất không dihydropyridin – non DHP (verapamil, diltiazem)
Các CCB-DHP là thuốc hạ áp được dùng phổ biến hơn trong điều trị tăng huyết áp và điều trị đau thắt ngực ổn định mãn tính hoặc đau thắt ngực Prinzmetal. Nifedipine ER là điều trị đầu tay cho bệnh nhân tăng huyết áp mang thai.
Do tác dụng gây giãn mạch ngoại vi của CCB-DHP, dẫn đến các tác dụng phụ thường gặp là nhịp tim nhanh, đỏ bừng mặt, phù ngoại biên… CCB-DHP chống chỉ định ở bệnh nhân có nhịp tim nhanh, suy tim (EF giảm, độ II-III/NYHA), tiền sử phù chân nặng.
Các CCB-non DHP chủ yếu được sử dụng để kiểm soát nhịp tim và đôi khi được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực ổn định mãn tính hoặc để giảm protein niệu. Tác dụng phụ thường gặp là táo bón, chậm nhịp tim và giảm cung lượng tim. Do đó, không nên dùng ở bệnh nhân đang điều trị với chẹn beta adrenergic (BB), nhịp tim chậm < 60 lần/phút, bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm, hội chứng nút xoang bệnh lý hay block nhĩ thất độ II-III.
3. Thuốc lợi tiểu
- Lợi tiểu Thiazide hoặc giống Thiazide (bendroflumethiazide, chlorthalidone, hydrochlorothiazide, indapamide, metolazone)
- Lợi tiểu quai (furosemide, bumetanide, torsemide, ethacrynic acid)
- Lợi tiểu tiết kiệm kali (amiloride, eplerenone, spironolactone, triamterene)
Các nhóm thuốc lợi tiểu nên được sử dụng vào buổi sáng để tránh tiểu đêm.
Lợi tiểu thiazide hoặc giống thiazide là lựa chọn đầu tay trong điều trị tăng huyết áp và thích hợp cho hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ/trung bình với chức năng thận và tim bình thường. Thuốc cũng làm tăng acid uric máu nên chống chỉ định cho bệnh nhân gout. Ở bệnh nhân có GFR<45ml/phút sử dụng nhóm thuốc sẽ trở nên kém hiệu quả, và sẽ không có hiệu quả khi bệnh nhân có GFR<30ml/phút. Trong trường hợp đó, có thể thay thế bằng thuốc lợi tiểu quai như furosemide (hoặc torsemide).
Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali ít dùng đơn trị nhưng quan trọng khi kết hợp với thiazide để hạn chế mất kali. Spironolactone và eplerenone có vai trò đặc biệt trong tăng huyết áp và suy tim. Liều thấp spironolactone thường có hiệu quả cao ở bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị. Cần lưu ý khi sử dụng trên bệnh nhân suy thận, dùng phối hợp với các thuốc ACEi, ARB do làm tăng nguy cơ tăng kali máu. Ngoài ra, spironolactone có thể gây vú to ở nam giới.
4. Thuốc chẹn beta (BB)
- Nhóm chẹn chọn lọc trên beta-1 (atenolol, esmolol, bisoprolol, metoprolol)
- Nhóm chẹn beta không chọn lọc trên beta-1/beta2 (nadolol, propranolol, timolol)
- Nhóm chẹn beta không chọn lọc trên chẹn beta-1, beta-2 và alpha-1 (carvedilol, labetalol)
- Nhóm chẹn chọn lọc trên beta-1 có hoạt tính giãn mạch (nebivolol)
- Nhóm chẹn chọn lọc trên beta-1 có hoạt tính cường giao cảm nội tại (acebutolol, pindolol)
Thuốc chẹn beta giao cảm có tác dụng trên tim (làm giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, làm cung lượng tim giảm, hạ huyết áp) và trên thận (làm giảm tiết renin dẫn đến hạ huyết áp) và được khuyên dùng đầu tay khi điều trị tăng huyết áp có kèm theo nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định, suy tim sung huyết, phụ nữ có thai hoặc tần số nhịp nhanh.. sẽ được ưu tiên chỉ định.
5. Các nhóm thuốc khác
- Ức chế alpha-1 (doxazosin, prazosin, terazosin)
Không được khuyến cáo dùng đơn trị cho bệnh nhân tăng huyết áp và thường được dùng kết hợp với các thuốc hạ áp khác như lợi tiểu, BB …Khi dùng lần đầu tiên hoặc tăng liều có thể bị hạ huyết áp thế đứng trong vòng 30–90 phút.
- Tác động trên thụ thể alpha-2 (clonidine, methyldopa, guanfacine)
Clonidine thường được sử dụng trong tăng huyết áp kháng trị, và methyldopa thường được sử dụng trong tăng huyết áp thai kỳ. Không ngưng thuốc đột ngột khi đang sử dụng vì có thể gây tăng huyết áp dội ngược.
- Giãn mạch trực tiếp (minoxidil, hydralazine, natri nitroprusside)
Hydralazine và minoxidil với hiệu quả hạ huyết áp giảm dần theo thời gian trừ trường hợp bệnh nhân cũng đang dùng thuốc lợi tiểu và chẹn beta. Natri nitroprusside là một thuốc hạ huyết áp tác dụng nhanh (kéo dài từ 1-10 phút) dùng trong các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu.
Điều trị tăng huyết áp không những là sự duy trì huyết áp ở mức ổn định mà còn là để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Hiện có rất nhiều thuốc/nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, để tối ưu hóa điều trị cần cân nhắc lựa chọn thuốc dựa vào các chỉ định bắt buộc hoặc ưu tiên trong các tình huống cụ thể. Bệnh nhân cần phải luôn tuân thủ điều trị, theo dõi huyết áp thường xuyên và điều trị suốt đời.
Trần Quỳnh Nhi, Đào Khánh Linh, Hà Trần Thảo Minh, Nguyễn Thị Thanh Ngân, Lê Huỳnh Đức Minh
Cố vấn chuyên môn: PGS. TS. Võ Phùng Nguyên, Cố vấn trưởng Khoa Dược, đại học HUTECH
Tài liệu tham khảo:
- Khalil H, Zeltser R. Antihypertensive Medications. Trong: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 [cited 31 Tháng Mười 2022]. Available at: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554579/
- Guideline ESC/ESH 2018
- Thomas Eschenhagen. Chapter 28: Treatment of hypertension. In: Laurence L. Brunton, editors. Goodman & Gilman’s the pharmacological basis of therapeutics. 13rd ed. New York: McGraw-Hill Education; 2018. p. 507-526.
- Bryan Williams, Giuseppe Mancia, Wilko Spiering et al. 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension: The Task Force for the management of arterial hypertension of the European Society of Cardiology (ESC) and the European Society of Hypertension (ESH). Eur. Heart J. 01 September 2018; 39(33): 3021–3104.
- Huỳnh Văn Minh, Phạm Gia Khải, Đặng Vạn Phước và cs. Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Hội Tim mạch Việt Nam/ Phân Hội THA Việt Nam. 2021; 1-86.
- Terry L.Schwinghammer. Pharmacotherapy handbook 11th. New york: McGraw-Hill Education; 2021. P. 112 – 128