Tuyến giáp là một trong những cơ quan nội tiết lớn nhất, nằm ở vùng cổ với chức năng sản xuất hormone tuyến giáp, giúp điều hòa sự trao đổi chất. Bất kì sự thay đổi bất thường nào của tuyến giáp cũng có thể tác động lớn đến việc thực hiện các chức năng sống bình thường của cơ thể. Ngoài cường giáp và suy giáp, viêm tuyến giáp cũng là một trong những bệnh tuyến giáp đáng lưu ý [1,2].
Viêm tuyến giáp là gì?
Viêm tuyến giáp là một thuật ngữ chung dùng để chỉ “tình trạng viêm của tuyến giáp” do nhiều nguyên nhân khác nhau với các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng [1,3]. Viêm tuyến giáp có thể phân thành ba loại: viêm tuyến giáp cấp tính (còn gọi là viêm tuyến giáp mủ), viêm tuyến giáp bán cấp và viêm tuyến giáp mạn tính [4,5].
Ở trẻ em, viêm tuyến giáp mạn tính là tình trạng viêm tuyến giáp phổ biến nhất.
Viêm tuyến giáp cấp tính
Bệnh ít gặp. Tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn Staphylococcus và Streptococcus; ngoài ra cũng có thể do nhiều tác nhân khác bao gồm cả vi nấm.
Phần lớn các trường hợp diễn biến xảy ra từ từ, song cũng có trường hợp xảy ra cấp tính với hội chứng nhiễm trùng. Triệu chứng lâm sàng ở trẻ em thường rõ hơn ở người lớn [5,6]. Viêm tuyến giáp cấp thường không kèm cường giáp hoặc suy giáp. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm [1,4,5]:
- Đau vùng tuyến giáp là triệu chứng nổi bật, có thể sờ thấy tuyến giáp lớn, nóng, mềm.
- Người bệnh không thể ngẩng cổ, thường ngồi cúi đầu để tránh căng gây đau vùng tuyến giáp.
- Nuốt đau.
- Nói khó, khàn tiếng.
- Có thể có biểu hiện viêm tổ chức lân cận tuyến giáp, hạch cổ lớn, đau.
- Thân nhiệt tăng, có thể sốt 38-40°C.
- Có thể có rét run nếu có nhiễm trùng huyết.
- Khi đã có áp-xe, khám vùng tuyến giáp có thể thấy các dấu hiệu của khối áp xe như: nóng, đau, đỏ và lùng nhùng.
Các bất thường xét nghiệm cận lâm sàng như: Bạch cầu trong máu tăng cao (bạch cầu đa nhân chiếm ưu thế), tốc độ lắng máu tăng, không có kháng thể kháng giáp, bất thường trên siêu âm. Các kết quả kiểm tra chức năng tuyến giáp thường bình thường [3,4,6].
Viêm tuyến giáp cấp tính cần được điều trị ngay bằng kháng sinh tĩnh mạch trước khi các khối áp-xe được hình thành; một số cần dùng thuốc kháng nấm, đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch. Cần phẫu thuật lấy lỗ rò sau khi đã điều trị kháng sinh để dự phòng tái phát. Bệnh thường kéo dài 3-6 tuần, có thể hồi phục hoàn toàn và chức năng tuyến giáp trở lại bình thường.
Viêm tuyến giáp bán cấp
Bệnh thường xảy ra vài tuần sau khi nhiễm virus. Đây là nguyên nhân phổ biến của cường giáp và thường gặp ở nữ, tuổi 40–50 [5,7]. Quá trình thay đổi chức năng tuyến giáp bắt đầu là cường giáp, tiếp theo là suy giáp và sau đó là hồi phục [6].
Các triệu chứng lâm sàng bao gồm [4,5,7]:
- Triệu chứng chung: mệt toàn thân, đau đầu, đau mỏi cơ, đau khớp, đau họng, gầy sụt cân, sốt nhẹ 37.5-38 °C.
- Đau vùng cổ: xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, đau tăng khi nuốt. Tuyến giáp sưng to gấp 2-3 lần bình thường. Đau một bên hoặc hai bên lan lên tai, đau khắp cổ, hàm hoặc vùng thái dương.
- Bướu cổ: tuyến giáp thường phì đại nhẹ hoặc vừa phải, có thể đều hai bên hoặc bất đối xứng, và mềm.
- Các dấu hiệu của cường giáp như nhịp tim nhanh, run tay, vã mồ hôi, sút cân, mệt,… Giai đoạn nhiễm độc giáp có thể kéo dài 1-2 tháng, sau đó đến giai đoạn bình giáp rồi giai đoạn suy giáp thoáng qua.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp giai đoạn đầu phát hiện nồng độ TSH giảm, nồng độ T3 và T4 tự do tăng, giai đoạn sau nồng độ T3 và T4 tự do về bình thường. Kháng thể kháng tuyến giáp thường âm tính. Ngoài ra, xét nghiệm công thức máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng và tốc độ lắng máu cao [5,7].
Bệnh thường tự khỏi nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, hướng đến giảm đau, làm dịu tuyến giáp và kiểm soát các chức năng bất thường của tuyến giáp. Một số trường hợp vẫn có thể dẫn đến viêm tuyến giáp tự miễn mạn tính hoặc suy giáp vĩnh viễn [4,5,7].
Viêm tuyến giáp mạn tính
Bệnh thường do tự miễn dịch. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm [4,5]:
- Viêm tại tuyến giáp: tuyến giáp có thể lớn lan toả cả hai thùy, đối xứng, theo hình dạng của tuyến giáp, mật độ đàn hồi, có khi kèm triệu chứng đau mơ hồ. Có trường hợp tuyến giáp không đều đặn, có nhiều nốt nhỏ, không đối xứng, trội lên ở một thùy, tạo một vùng cứng chắc; hoặc trường hợp tuyến giáp lớn đè ép các cơ quan lân cận gây khó nuốt nhẹ do đè ép thực quản, thay đổi giọng nói do đè ép dây thần kinh thanh quản quặt ngược…
- Dấu hiệu của suy giáp: tốc độ phát triển chậm; tăng cân; mạch chậm; da khô, lạnh; tóc thô và các đặc điểm trên khuôn mặt; phù nề; và tình trạng giãn chậm của các phản xạ gân sâu.
- Dấu hiệu của cường giáp thỉnh thoảng xuất hiện sớm ở giai đoạn đầu của bệnh.
Nồng độ TSH tăng ở trẻ suy giáp và giảm ở trẻ cường giáp. Trong khi đó, nhiều trẻ có chức năng tuyến giáp và nồng độ TSH bình thường. Nồng độ kháng thể kháng giáp peroxidase tăng cao là chỉ dấu nhạy nhất của tình trạng tự miễn dịch tuyến giáp [4].
Điều trị viêm tuyến giáp mạn tính phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Khoảng 20% trẻ ở giai đoạn suy giáp tiền lâm sàng (suy giáp nhẹ, chưa có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt) sẽ thuyên giảm và chức năng tuyến giáp trở về bình thường. Suy giáp vĩnh viễn là biến chứng chính [4,5].
Kết luận
Nhìn chung, các biểu hiện lâm sàng chủ yếu của viêm tuyến giáp là phì đại và đau ở vị trí tuyến giáp, khó nuốt, có thể kèm theo sốt và ớn lạnh (tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm). Rối loạn tuyến giáp là một trong những bệnh phổ biến nhất của tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa bình thường của cơ thể. Nếu phát hiện các bất thường và triệu chứng nghi ngờ bệnh tuyến giáp thì nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp.
Hoàng Thị Mỹ Huyền, Vũ Thị Thúy, Nguyễn Hoàng Nam
Cố vấn chuyên môn: Võ Phùng Nguyên.