Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?

Giới thiệu

Tuyến giáp là một trong những cơ quan nội tiết lớn nhất trong cơ thể, có chức năng sản xuất các hormone quan trọng. Do đó bất kì sự thay đổi bất thường nào của tuyến giáp cũng có thể tác động lớn đến các chức năng sống bình thường. Cường giáp và suy giáp là hai bệnh lý tuyến giáp phổ biến. Đây là các rối loạn nghiêm trọng và cần được điều trị bởi chuyên gia y tế.

1. Tuyến giáp và hormone giáp

1.1 Tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở cổ, bên dưới yết hầu và phía trước của khí quản. Tuyến có dạng hình bướm với hai thùy đối xứng nhau, mỗi thùy nằm ở mỗi bên của khí quản, được nối với nhau thành một khối bằng thùy eo rất nhỏ. 

Tuyến giáp có chức năng tiết ra các hormone giáp, giúp điều hòa sự trao đổi chất, bao gồm các quá trình hóa học để đảm bảo duy trì chức năng bình thường của hệ thần kinh và tim mạch, nhiệt độ cơ thể, sức mạnh cơ bắp, sự khô da, chu kỳ kinh nguyệt, cân nặng và cholesterol. T3 chủ yếu được tổng hợp từ T4 sau quá trình khử mất đi một nguyên tử iod. Một lượng nhỏ còn lại, (khoảng <20%) T3 được tổng hợp trực tiếp từ tuyến giáp. T3 có tác động đến các mô mạnh hơn T4 gấp 4 lần nhưng thời gian bán thải ngắn hơn, nên nồng độ T3 trong máu thấp hơn T4

1.2 Hormone giáp

Hai hormone giáp chính được tiết từ tuyến giáp là triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Tuyến giáp là cơ quan duy nhất có khả năng hấp thụ iod, nguyên liệu để tổng hợp cả hai hormone trên. 

Các tác dụng sinh lý của hormon giáp bao gồm:

  • Tăng tốc độ trao đổi chất cơ bản
  • Ảnh hưởng đến sự phân giải và tổng hợp lipid, carbohydrate và protein
  • Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu qua tim, tăng hô hấp để cung cấp oxy cho sự chuyện hóa ở các mô cơ qua
  • Thúc đẩy tác động của hormone catecholamine
  • Ở trẻ em, hormone giáp hoạt động hiệp đồng với hormone tăng trưởng để kích thích sự phát triển của xương
  • Hormone giáp có tác động quan trọng trên hệ thần kinh trung ương: cần thiết cho sự trưởng thành của não bộ trong giai đoạn trước sinh và ảnh hưởng đến tâm trạng ở người trường thành
  • Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, rụng trứng và kinh nguyệt

bệnh tuyến giáp

2. Các bệnh tuyến giáp và mức độ nguy hiểm

Rối loạn chức năng và bất thường giải phẫu của tuyến giáp là một trong những bệnh nội tiết phổ biến nhất, xảy ra khi các hormone giáp không được sản xuất đúng lượng cần thiết. Các triệu chứng của rối loạn tuyến giáp thường không đặc trưng, gây khó khăn trong việc xác định chúng có liên quan đến vấn đề tuyến giáp hay do các tình trạng y khoa khác. 

Những bệnh lý tuyến giáp thường gặp bao gồm: cường giáp và suy giáp

2.1 Cường giáp

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất dư thừa hormone giáp. Cường giáp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, gây giảm cân, kích động, chịu nhiệt kém, đổ mồ hôi, mệt mỏi, yếu cơ và nhiều triệu chứng khác. 

Nguyên nhân phổ biến gây cường giáp là 

  • Bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow): thường xảy ra ở nữ giới độ tuổi 30-50. Bệnh Graves là một bệnh tự miễn, cơ thể có các kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất quá mức hormone giáp. 
  • Nhân giáp và viêm giáp: hai nguyên nhân này ít gặp hơn. 
  • Một số loại thuốc cũng có thể gây cường giáp bao gồm iod, amiodarone và interferons. Cường giáp do iod có thể do dư thừa iod trong chế độ ăn uống hoặc do phơi nhiễm chất cản quang trong chụp X-quang.

Cường giáp nếu không được điều trị, có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Bệnh mắt tuyến giáp (chứng lồi mắt): Bệnh này đặc trưng bởi mắt lồi, chảy nước mắt.
  • Loãng xương: Hormone giáp tăng sẽ cản trở khả năng cơ thể hấp thụ calci vào xương. 
  • Nhiễm độc giáp: Nếu tuyến giáp hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormone, có thể dẫn đến nhiễm độc giáp, khiến cơ thể luôn cảm thấy nóng, tiêu chảy, sụt cân, chóng mặt hoặc run rẩy.
  • Tim mạch: Ở những người bệnh cường giáp, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim sung huyết.
  • Vô sinh: Quá nhiều hormone giáp có thể cản trở quá trình rụng trứng theo chu kỳ của phụ nữ, dẫn đến vô sinh tạm thời. Khi hormone giáp được khôi phục bình thường, trong trường hợp không có các rào cản nào khác (ví dụ: lạc nội mạc tử cung hoặc ống dẫn trứng bị tắc), khả năng sinh sản được hồi phục.
Bệnh cường giáp làm tăng nguy cơ đột quỵ
Bệnh cường giáp làm tăng nguy cơ đột quỵ

2.2 Suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp giảm hoạt động dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormone giáp. Khi nồng độ hormon giáp giảm, quá trình chuyển hóa diễn ra chậm, gây nên những triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, táo bón, chuột rút, khô da, nhạy cảm với lạnh. Suy giáp có thể gây trầm cảm, vô sinh, bệnh tim mạch và các triệu chứng khác liên quan đến giảm chuyển hóa.

Nguyên nhân phổ biến gây suy giáp:

  • Bệnh Hashimoto: là một bệnh tự miễn, khi đó tự kháng thể của cơ thể tấn công vào tuyến giáp của chính bệnh nhân. 
  • Thiếu iod: là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.

Nếu không được điều trị, các bệnh lý tuyến giáp có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng:

  • Bướu cổ: Tình trạng tuyến giáp được kích thích liên tục để sản sinh ra hormone, có thể làm kích thước tuyến giáp trở nên lớn hơn. Bướu cổ lớn có thể cản trở việc nuốt hoặc thở.
  • Tim mạch: Ở những bệnh nhân bị suy giáp, nồng độ LDL-C có thể tăng cao, dẫn đến các biến chứng trên tim mạch hoặc làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. 
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần: Hormone giáp thấp có thể khiến hoạt động thần kinh giảm sút. Chẳng hạn như mất trí nhớ hoặc giảm tập trung.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Theo thời gian, suy giáp không được kiểm soát có thể làm tổn thương các dây thần kinh ngoại vi; có thể gây đau, ngứa ran, tê ở vùng vị ảnh hưởng (ví dụ: hội chứng chân không yên).
  • Vô sinh: Nồng độ hormone giáp thấp có thể cản trở quá trình rụng trứng, làm suy giảm khả năng sinh sản.
  • Sức khỏe sinh sản: phụ nữ mang thai bị suy giáp sẽ dẫn đến tình trạng sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, thậm chí trẻ sinh ra có thể bị chậm phát triển trí tuệ. Vì vậy các phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc dự định có thai nên tầm soát suy giáp để có một thai kỳ khỏe mạnh
  • Phù niêm: Tình trạng này hiếm gặp, xảy ra khi suy giáp nghiêm trọng, có thể dẫn đến hôn mê do phù niêm.
Nồng độ hormon giáp thấp có thể làm suy giảm khả năng sinh sản
Nồng độ hormon giáp thấp có thể làm suy giảm khả năng sinh sản

2.3 Một số bệnh tuyến giáp khác

Ngoài suy giáp và cường giáp, một số bệnh lý tuyến giáp khác có thể kể đến như:

  • Viêm tuyến giáp là một thuật ngữ chỉ sự hiện diện của viêm tuyến giáp. Bệnh bao gồm một nhóm các tình trạng viêm đa dạng, do những nguyên nhân như bệnh tự miễn hoặc bán tự miễn, virus, vi khuẩn, nấm,… Các biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau ở vị trí tuyến giáp, khó nuốt, có thể kèm theo sốt và ớn lạnh (tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm).
  • Bướu giáp không độc là tình trạng tuyến giáp lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không bị viêm hoặc u. Nguyên nhân có thể do thiếu iod, tác dụng của các chất làm phì đại tuyến giáp,… Bướu giáp không độc thường không liên quan đến việc tiết hormone giáp bất thường nên bệnh nhân thường không có triệu chứng.
  • Ung thư tuyến giáp là loại u nội tiết phổ biến nhất. Các khối u của tuyến giáp được phân thành nhiều loại. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, tiếp tục dùng thuốc và theo dõi thường xuyên sẽ mang lại hiệu quả đối với bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp điển hình, biệt hóa tốt.

3. Xử trí và điều trị bệnh tuyến giáp

Mục tiêu điều trị là đưa nồng độ hormone giáp trở về mức bình thường. 

Các lựa chọn điều trị khi nồng độ hormone giáp cao (cường giáp) bao gồm: 

  • Thuốc kháng giáp
  • Liệu pháp iod phóng xạ
  • Kiểm soát triệu chứng bằng thuốc chẹn thụ thể beta 
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần tuyến giáp. 

Đối với tình trạng suy giáp, sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp là điều trị duy nhất được công nhận và phê duyệt, có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng bệnh và có một cuộc sống bình thường.

Bệnh tuyến giáp thường là một tình trạng bệnh lý kéo dài mà người bệnh cần phải kiểm soát liên tục, thường gắn liền với việc sử dụng thuốc hàng ngày. Việc điều trị cần được theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh theo thời gian, người bệnh không nên tự ý thay đổi thuốc, liều lượng mà không có sự tư vấn của bác sỹ. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tuyến giáp vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường mà không có nhiều hạn chế.

Kết luận

Tuyến giáp tham gia vào các quá trình hoạt động của cơ thể như hoạt động của các tế bào, vận chuyển glucose và lipid, hoạt động của não bộ và hệ thần kinh, ngoài ra còn tác động lên tim và hệ mạch máu. Vì vậy, khi tuyến giáp có vấn đề, các quá trình và hệ cơ quan của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Các bệnh tuyến giáp có thể giới hạn từ sự xuất hiện của các bướu nhỏ, vô hại, không cần điều trị, các bệnh lý cường giáp/suy giáp, đến tình trạng ung thư đe dọa đến tính mạng. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể, giai đoạn và mức độ ảnh hưởng của bệnh cũng như việc điều trị để kiểm soát triệu chứng và hạn chế các biến chứng. Việc tầm soát bệnh lý tuyến giáp là có ý nghĩa và nên được quan tâm nhiều hơn.

Vũ Thị Thúy, Phạm Lý Mộng Kiều, Nguyễn Hoàng Nam

a Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

b Giảng viên Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Cố vấn chuyên môn Dược: PGS. TS. DS. Võ Phùng Nguyên