4 chỉ số tiểu đường quan trọng dược sĩ cần biết

Đái tháo đường là một bệnh mãn tính đặc trưng bởi sự tăng nồng độ glucose trong máu. Việc đánh giá và theo dõi các chỉ số có ý nghĩa quan trọng trong xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán, điều trị dùng thuốc cũng như điều chỉnh lối sống phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân. Do đó, ở vị trí Dược sĩ, hiểu rõ những chỉ số liên quan đến kiểm soát đường huyết là vô cùng quan trọng để có thể phối hợp hướng dẫn và tư vấn dùng thuốc một cách chuẩn xác để mang lại lợi ích cho bệnh nhân. 

4 chỉ số tiểu đường quan trọng 

Bệnh đái tháo đường có thể được chẩn đoán dựa trên tiêu chí glucose huyết tương, giá trị glucose huyết tương lúc đói (FPG) hoặc giá trị glucose huyết tương trong nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT) hoặc A1C (Bảng 1)

Bảng 1. Tiêu chuẩn chẩn đoán Đái tháo đường

FPG ≥126 mg/dL (7.0 mmol/L), yêu cầu không tiếp nhận calo trong vòng ít nhất 8 giờ.* 
Hoặc
PG ≥200 mg/dL (11.1 mmol/L) ở thời điểm 2 giờ sau khi thực hiện OGTT* 
Hoặc
A1C ≥6.5% (48 mmol/mol).* 

Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hoặc
Ở bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥200 mg / dL (11,1 mmol / L).

* Trong trường hợp không có tăng glucose huyết rõ ràng, cần có hai kết quả xét nghiệm bất thường từ cùng một mẫu hoặc từ hai mẫu xét nghiệm riêng biệt để chẩn đoán. 

1. Xét nghiệm đường huyết lúc đói (FBG)

Phương pháp này đo lượng đường trong máu của bệnh nhân sau một đêm nhịn ăn (không tiếp nhận calo trong vòng ít nhất 8 giờ). 

  • Mức đường huyết lúc đói ≤ 99 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường, 
  • Mức đường huyết lúc đói từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) được chẩn đoán là tiền đái tháo đường,  
  • Mức đường huyết lúc đói ≥126 mg/ dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn từ hai lần xét nghiệm riêng biệt được chẩn đoán là đái tháo đường.
Đo đường huyết lúc đói được thực hiện sau một đêm nhịn ăn
Đo đường huyết lúc đói được thực hiện sau một đêm nhịn ăn

2. Nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống (OGTT) 

Phương pháp này đo lượng đường trong máu trước và sau khi uống chất lỏng có chứa glucose. Bệnh nhân sẽ nhịn ăn (không tiếp nhận calo trong vòng ít nhất 8 giờ) qua đêm trước khi xét nghiệm và được lấy máu để xác định mức đường huyết lúc đói.

OGTT được thực hiện theo mô tả của WHO là sử dụng một lượng glucose chứa tương đương 75g glucose khan hòa tan trong nước. Trong trường hợp không có sự xuất hiện rõ rệt của tăng đường huyết thì chẩn đoán yêu cầu hai kết quả xét nghiệm bất thường từ cùng một mẫu, hoặc từ hai mẫu xét nghiệm riêng biệt.

Sau 2 giờ, lượng đường trong máu được đánh giá 

  • ≤ 140 mg/dL là bình thường, 
  • Nếu mức đường huyết từ 140 đến 199 mg/dL được chẩn đoán là tiền đái tháo đường, 
  • ≥ 200 mg/dL được chẩn đoán là đái tháo đường.

OGTT giúp các chuyên gia y tế phát hiện bệnh đái tháo đường tuýp 2 và tiền đái tháo đường tốt hơn so với xét nghiệm FPG. Tuy nhiên, OGTT là một xét nghiệm đắt tiền và khó thực hiện hơn FBG.

3. Xét nghiệm HbA1c 

HbA1c < 7 được xem là mục tiêu chung cho bệnh nhân tiểu đường là người lớn không mang thai
HbA1c < 7 được xem là mục tiêu chung cho bệnh nhân tiểu đường là người lớn không mang thai

A1C có một số lợi thế so với FPG và OGTT như :

  • Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm
  • Độ ổn định cao hơn và ít thay đổi giữa các ngày khi gặp trạng thái căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống hoặc bệnh tật
  • Phản ánh đường huyết trung bình trong khoảng 3 tháng.

A1C là chỉ số được sử dụng cho đến nay trong các thử nghiệm lâm sàng chứng minh lợi ích của việc cải thiện kiểm soát đường huyết. Xét nghiệm này là công cụ chính để đánh giá việc kiểm soát đường huyết và có giá trị tiên đoán mạnh mẽ đối với các biến chứng của bệnh tiểu đường. Do đó, xét nghiệm A1C nên được thực hiện thường quy ở tất cả bệnh nhân đái tháo đường khi đánh giá ban đầu và như là một phần của quá trình chăm sóc liên tục. 

Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường khi A1C ≥6.5% (48 mmol/mol). Mục tiêu A1C  <7% (53 mmol / mol) không bị hạ đường huyết đáng kể được xem là mục tiêu chung cho bệnh nhân là người lớn không mang thai. Các mục tiêu A1C ít nghiêm ngặt hơn (chẳng hạn như <8% [64 mmol / mol]) có thể thích hợp cho những bệnh nhân có tiên lượng thấp hoặc khi tác hại của điều trị lớn hơn lợi ích. Đạt được mục tiêu A1C <7% (53 mmol / mol) đã được chứng minh là làm giảm các biến chứng vi mạch của bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 khi được điều trị sớm trong quá trình bệnh.

Ngoài ra, mức độ giảm A1C còn được thể hiện qua một số nhóm thuốc trong điều trị đái tháo đường, nhờ đó mà việc lựa chọn loại thuốc phù hợp với lộ trình giảm HbA1C trở nên dễ dàng và nhanh chóng đạt mục tiêu điều trị hơn. 

4. Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên tại thời điểm bất kỳ 

Đây là một chẩn đoán lâm sàng rõ ràng để đo lượng đường trong máu tại thời điểm xét nghiệm. Phương pháp này có thể thực hiện tại thời điểm bất kỳ và không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm. Mức đường huyết đạt ngưỡng 200 mg/dL hoặc cao hơn được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.

Tóm lại, các chỉ số tiểu đường thể hiện rất rõ mục tiêu điều trị của bệnh nhân đái tháo đường. Để kiểm soát tốt tình trạng tiểu đường, bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm để đánh giá các chỉ số thường xuyên để điều chỉnh phác đồ điều trị đái tháo đường thích hợp và kịp thời.

Hoàng Thị Thu Phương, Bùi Nguyễn Yên Chi,

 Phan Thị Anh Thư, Nguyễn Thị Phương Trang