Về nguy cơ nhiễm toan cetone do các thuốc ức chế SGLT2

Bài gốc: Understanding SGLT2 Inhibitors’ Diabetic Ketoacidosis Risk

Tác giả: Deepali Dixit, PharmD, BCPS

Đăng trên PharmacyTimes, ngày 16/08/2016

Vào tháng 05/2015, FDA đưa ra cảnh báo về nguy cơ tiến triển nhiễm toan cetone đái tháo đường trong khi sử dụng các thuốc ức chế SGLT2. Đến tháng 12, FDA đã cập nhật nhãn thuốc, bao gồm cảnh báo về sự tiến triển tình trạng nhiễm toan cetone ngay cả khi đường huyết ở mức gần bình thường.[1]

Các thuốc ức chế SGLT2 làm hạ đường huyết bằng cách làm giảm sự tái hấp thu glucose ở thận, tức là làm tăng sự thải trừ glucose qua nước tiểu [2]. Có 3 thuốc trong nhóm này đang được lưu hành tại Hoa Kỳ: canagliflozin (Invokana), dapagliflozin (Farxiga), và empagliflozin (Jardiance) [1].

Các thuốc này được chấp thuận trong điều trị đái tháo đường type 2, mặc dù chúng ngày càng được sử dụng off-label trong điều trị đái tháo đường type 1, và các thử nghiệm gần đây đang được thực hiện để đánh giá hiệu quả của chỉ định off-label tiềm năng này [3].

Nhiễm toan cetone đái tháo đường tiến triển thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 sau khi bỏ qua hoặc giảm liều insulin, mắc bệnh cấp tính hoặc trải qua một phẫu thuật gần đây [4]. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng bao gồm tăng đường huyết (>250 mg/dL), nhiễm toan có khoảng trống anion (anion-gap acidosis), và tăng cetone trong huyết tương và nước tiểu [3].

Chẩn đoán và điều trị sớm nhiễm toan cetone là vấn đề mang tính sống còn với bệnh nhân. Nền tảng điều trị là bù dịch, liệu pháp insulin và điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải [4].

Trong số những trường hợp nhiễm toan cetone được báo cáo với các thuốc ức chế SGLT2, bệnh nhân có một biểu hiện không đặc trưng của nhiễm toan cetone, làm cho chẩn đoán và điều trị muộn. Đó là, các bệnh nhân cho thấy có mức đường huyết bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ [1, 3, 5].

Một phân tích gồm 9 bệnh nhân có trải qua cơn nhiễm toan cetone trong khi dùng thuốc ức chế SGLT2 cho thấy đường huyết của họ dao động trong khoảng từ 96 đến 224 mg/dL [3]. Dựa trên điều này, việc dùng insulin là không thay đổi hoặc giảm liều và điều trị nhiễm toan cetone bị trì hoãn do bỏ sót chẩn đoán [3].

Kết quả từ những báo cáo đã xác định nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan cetone. Bệnh nhân gần đây có giảm liều insulin, bệnh sốt cấp tính, trải qua phẫu thuật, uống rượu, hoặc có rối loạn tụy là những người có nguy cơ cao [1, 3].

Cơ chế gây nhiễm toan cetone do các thuốc ức chế SGLT2

(Singh AK. Sodium-glucose co-transporter-2 inhibitors and euglycemic ketoacidosis: Wisdom of hindsight. Indian J Endocr Metab 2015;19:722-30)

Khi bệnh nhân đang dùng insulin được bắt đầu điều trị với thuốc ức chế SGLT2, liều insulin nên được giảm để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Tuy nhiên, liều insulin khi đã giảm đi có thể trở nên không đủ để ức chế sự tạo cetone và do đó có thể làm tăng nguy cơ tiến triển tình trạng nhiễn toan cetone ở bệnh nhân [6]. Việc ngừng tạm thời các thuốc ức chế SGLT2 trong những trường hợp đã biết làm tăng nguy cơ nhiễm toan cetone, như khi có một phẫu thuật đã lên kế hoạch, nên được xem xét [7].

FDA đã thực hiện một bài tổng quan từ hệ thống báo cáo tác dụng phụ từ tháng 03/2013 đến tháng 05/2015 và xác định có 73 ca bệnh nhân nhiễm toan cetone khi điều trị với thuốc ức chế SGLT2 được báo cáo. Tuy nhiên, số ca báo cáo này dường như là số ước tính thấp nhất do sự bỏ sót chẩn đoán hoặc không báo cáo.

Nhận thức của bác sĩ và bệnh nhân về nguy cơ nhiễm toan cetone đái tháo đường khi dùng các thuốc ức chế SGLT2 đóng vai trò quan trọng để nhận diện cũng như điều trị nhanh chóng và chính xác tình trạng này. Bệnh nhân nên được hướng dẫn nếu trải qua các triệu chứng như buồn nôn, nôn, khó thở, đau bụng, hoặc rối loạn, họ nên được thăm khám ngay lập tức [1]. Tăng cường nhận thức của bệnh nhân và bác sĩ về nguy cơ nhiễm toan cetone khi sử dụng thuốc ức chế SGLT2 sẽ giúp cải thiện những kết quả trên bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu do nhiễm toan cetone.