Theo thông báo mới đây từ AstraZeneca, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã mở rộng phạm vi điều trị của chế phẩm Symbicort 80/4,5 dạng khí dung.
Thành phần của thuốc gồm 80 mcg budesonid – một corticosteroid dạng hít (ICS) và 4,5 mcg formoterol fumarate dihydrate – một chất đồng vận β-2 tác dụng kéo dài (LABA).

Theo đó, chế phẩm này được phép chỉ định trong điều trị hen suyễn cho bệnh nhân từ 6 – 12 tuổi khi không đáp ứng với corticosteroid dạng khí dung.
Trước đây, chế phẩm này chỉ được chỉ định trong điều trị hen suyễn ở bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Một dạng chế phẩm khác là Symbicort 160/4,5 (dạng khí dung) cũng được chỉ định trong điều trị hen suyễn và COPD ở người lớn.
Kết quả này dựa trên chương trình thử nghiệm lâm sàng CHASE (ChildHood Asthma Safety and Efficacy). Thử nghiệm cho thấy, Symbicort 80/4,5 giúp cải thiện đáng kể chức năng phổi ở bệnh nhi từ 6 – 12 tuổi. Độ an toàn của thuốc ở nhóm tuổi này tương tự như ở bệnh nhân trên 12 tuổi.
Việc kiểm soát tốt hen suyễn sẽ giúp giảm các triệu chứng như ho và thở khò khè; giúp duy trì chức năng phổi và hoạt động bình thường.
Tác dụng phụ (tỷ lệ ≥ 3% và thường xuyên hơn so với nhóm chỉ được điều trị bằng budesonid 80 mcg) được báo cáo trong quá trình thử nghiệm bao gồm: nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng, đau đầu và viêm mũi.
LƯU Ý TRONG CHỈ ĐỊNH SYMBICORT:
– Không dùng Symbicort cho bệnh nhân hen suyễn đã được kiểm soát bằng corticosteroid liều thấp hoặc trung bình.
– Không dùng Symbicort để thay thế các thuốc tác dụng nhanh trong trường hợp cấp tính.
– Symbicort không dùng ở bệnh nhân đang có dấu hiệu trầm trọng của hen suyễn hoặc COPD.
– Bệnh nhân đang điều trị với Symbicort không nên sử dụng thêm formoterol hoặc một LABA khác với bất cứ lý do gì.
– Nhiễm nấm Cadida albicans khu trú ở miệng và họng đã được ghi nhân ở bệnh nhân điều trị với Symbicort. Bệnh nhân nên súc miệng sau khi hít Symbicort.
– Do có thể ức chế miễn dịch, khả năng làm xấu thêm tình trạng nhiễm trùng. Thậm chí gây tử vong ở bệnh nhân thủy đậu hoặc sởi có cơ địa nhạy cảm.
Lược dịch: DS. Trần Văn Hiền (ĐH Duy Tân – Đà Nẵng).