Đái tháo đường là một nhóm bệnh mà ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng lượng đường trong máu (glucose). Glucose là một nguồn năng lượng quan trọng để các tế bào tạo nên cơ và mô. Đây cũng là nguồn cung cấp năng lượng chính của não. Nguyên nhân chính của bệnh đái tháo đường khác nhau tùy theo loại bệnh. Nhưng bất kể loại bệnh đái tháo đường nào thì nó đều có thể dẫn đến tình trạng dư thừa đường trong máu. Quá nhiều đường trong máu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng (1).
Vậy làm thế nào để nhận biết nếu mắc bệnh đái tháo đường?
1. Triệu chứng sớm của bệnh đái tháo đường
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gặp bác sĩ về việc kiểm tra lượng đường trong máu của bạn (2,3).
- Đói nhiều và mệt mỏi: Cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose để các tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Tế bào cần insulin để thu nhận glucose. Nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc các tế bào đề kháng lại insulin mà cơ thể tạo ra thì glucose sẽ không thể đi vào tế bào và như vậy sẽ không tạo ra năng lượng. Điều này có thể khiến bạn đói và mệt mỏi hơn bình thường.

- Đi tiểu nhiều và khát nhiều: Bình thường đi tiểu từ 4-7 lần trong 24 giờ, nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường có thể đi tiểu nhiều hơn. Thông thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi glucose đi qua thận. Nhưng khi bệnh đái tháo đường làm cho lượng đường trong máu của bạn lên cao, thận có thể không thể tái hấp thu hết. Điều này làm cho cơ thể đi tiểu nhiều hơn. Vì đi tiểu nhiều nên cơ thể rất khát. Khi uống nhiều hơn, cũng sẽ đi tiểu nhiều hơn.
- Da khô và ngứa Vì cơ thể đang sử dụng nhiều nước để tạo ra nước tiểu, nên bạn có thể bị mất nước và khô miệng. Da khô có thể khiến bạn bị ngứa.
- Nhìn mờ: Thay đổi nồng độ nước trong cơ thể có thể làm cho thủy tinh thể sưng lên. Điều này khiến thị lực của bạn không còn rõ như trước, hình ảnh mờ nhạt dần, nhòe không rõ.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể nhẹ đến mức không nhận thấy, đặc biệt với bệnh đái tháo đường tuýp 2. Một số người không phát hiện ra mình mắc bệnh cho đến khi họ gặp vấn đề do tổn thương lâu dài do bệnh gây ra. Với bệnh đái tháo đường tuýp 1, các triệu chứng thường xảy ra nhanh chóng, trong vài ngày hoặc vài tuần (2).
2. Đối tượng nên tầm soát bệnh đái tháo đường
Cần sàng lọc, tầm soát ở những người có yếu tố nguy cơ sau mà chưa có triệu chứng (4):
- Người lớn bị thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥25 kg/m2 hoặc ≥23 kg/m2 ở người Mỹ gốc Á) có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) mắc bệnh đái tháo đường
- Chủng tộc/dân tộc có nguy cơ cao (ví dụ: người Mỹ gốc Phi, người Latinh, người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Á, người dân đảo Thái Bình Dương)
- Tiền sử bệnh tim mạch
- Tăng huyết áp (≥140/90 mmHg hoặc đang điều trị tăng huyết áp)
- Cholesterol HDL < 35mg/dL và/hoặc mức chất béo trung tính > 250 mg/dL
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang
- Ít hoạt động thể lực
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan đến kháng insulin (ví dụ: béo phì nặng, dấu gai đen).

- Bệnh nhân tiền đái tháo đường (A1C ≥5,7%, rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết lúc đói) nên được kiểm tra hàng năm.
- Phụ nữ được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ nên làm xét nghiệm ít nhất 3 năm một lần.
- Đối với tất cả các bệnh nhân khác, nên bắt đầu xét nghiệm từ khi 35 tuổi.
- Nếu kết quả bình thường, nên kiểm tra lặp lại tối thiểu trong khoảng thời gian 3 năm, có cân nhắc việc thử nghiệm thường xuyên hơn tùy thuộc vào kết quả ban đầu và tình trạng rủi ro.
- Người nhiễm HIV
Tóm lại, các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm và biết cách kiểm soát tốt sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ rất sớm. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, liên tục sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tiến triển các biến chứng nguy hiểm. Mặc dù đề kháng insulin và suy giảm tiết insulin ở bệnh tiểu đường tuýp 2 có sự đóng góp đáng kể di truyền. Nhưng yếu tố môi trường và hành vi đóng góp một phần không nhỏ vào tiến triển bệnh theo hướng tích cực hoặc không. Những thay đổi trong lối sống, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân và tập thể dục sẽ làm chậm sự tiến triển của bệnh đái tháo đường.
Phan Thị Anh Thư, Nguyễn Thị Đức Hạnh
Cố vấn chuyên môn: Võ Phùng Nguyên