Nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết quá mức

Giới thiệu 

Nồng độ đường trong máu sẽ thay đổi lên xuống trong ngày trong phạm vi giới hạn bình thường tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như ăn uống, sử dụng thuốc,… Tuy nhiên, đường huyết giảm quá mức và không được điều trị kịp thời có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ số tiểu đường là dấu hiệu quan trọng để nhận biết hạ đường huyết.

1. Như thế nào là hạ đường huyết?

Hạ đường huyết được đặc trưng bởi sự giảm nồng độ glucose trong huyết thanh đến dưới mức 70 mg/dL (3.9 mmol/L). Hạ đường huyết sẽ trầm trọng hơn khi nồng độ này giảm dưới 54 mg/dL (3.0 mmol/L), gây ra các triệu chứng và/hoặc dấu hiệu như tổn thương nhận thức không phục hồi hay kích thích hệ thần kinh giao cảm.

Hạ đường huyết được chia thành 3 mức độ tùy thuộc vào nồng độ glucose huyết:

  • Độ 1: glucose huyết <70 mg/dL (3.9 mmol/L) và  ≥54 mg/dL (3.0 mmol/L).
  • Độ 2: glucose huyết <54 mg/dL (3.0 mmol/L).
  • Độ 3: xảy ra biến cố trầm trọng đặc trưng bởi sự thay đổi trạng thái tâm thần và/hoặc thể chất, cần hỗ trợ điều trị tình trạng hạ đường huyết, bất kể mức độ đường huyết của bệnh nhân.

2. Nguyên nhân hạ đường huyết 

2.1 Tác động phụ của insulin và thuốc hạ đường huyết dùng đường uống

Hầu hết các trường hợp hạ đường huyết nặng (độ 2-3) xảy ra ở bệnh nhân điều trị đái tháo đường sử dụng insulin hoặc một số loại thuốc khác kích thích tuyến tụy giải phóng insulin vào máu. Đây là một biến chứng cấp tính. 

Thuốc uống hạ đường huyết, đặc biệt nhóm tiết sulfonylureas và glinides có khả năng gây hạ đường huyết nhiều hơn so với các thuốc khác. Tình trạng hạ đường huyết quá mức xảy ra thường khi bệnh nhân có điều chỉnh về điều trị và thay đổi khẩu phần ăn hoặc giờ ăn. 

Bất cứ khi nào có thể, cần xác nhận lại tình trạng hạ đường huyết bằng cách đo nồng độ đường trong máu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đái tháo đường – do có nồng độ đường huyết cao trong thời gian dài – có thể xuất hiện các triệu chứng của hạ đường huyết ở mức đường huyết cao hơn (trước khi xuống dưới 70 mg/dL).

 

Tác dụng phụ của insulin có thể gây hạ đường huyết
Tác dụng phụ của insulin có thể gây hạ đường huyết

2.2 Các nguyên nhân khác gây hạ đường huyết

Hạ đường huyết nhẹ có thể xảy ra khi

  • Ăn/uống không đủ lượng carbohydrate, ăn chay hoặc bỏ bữa ăn. 
  • Thỉnh thoảng cũng có thể xảy ra sau các bữa ăn chứa lượng đường cao do cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn mức cần thiết. 
  • Tăng mức độ hoạt động thể chất so với thường ngày cũng có thể làm giảm mức đường huyết trong vòng 24 giờ sau khi hoạt động.

Ngoài ra, ở người không mắc bệnh đái tháo đường, lượng đường trong máu thấp có thể do 

  • Uống thức uống chứa cồn
  • U tụy nội tiết (insulinoma, là một khối u hiếm gặp trong tuyến tụy sản xuất quá mức insulin); 
  • Thiếu hormone như cortisol, hormone tăng trưởng hoặc hormone tuyến giáp; 
  • Suy tim, thận hoặc gan mức độ nặng; 
  • Bệnh nhiễm ảnh hưởng toàn thân như nhiễm khuẩn huyết; 
  • Một số loại phẫu thuật giảm cân (thường xảy ra ít nhất 5 năm sau phẫu thuật); 
  • Các thuốc không thuộc nhóm điều trị đái tháo đường như một số kháng sinh hoặc thuốc tim mạch.
Suy tim có thể làm hạ đường huyết
Suy tim có thể làm hạ đường huyết

3. Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết hạ đường huyết 

Triệu chứng của đường huyết thấp thay đổi tùy theo từng người và có thể thay đổi theo thời gian. 

3.1 Hạ đường huyết cấp độ 1

Một số dấu hiệu và triệu chứng sớm có thể xảy ra ở người hạ đường huyết độ 1 bao gồm 

  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi, run rẩy
  • Đau nhức đầu
  • Da xanh xao
  • Đổ mồ hôi 
  • Đánh trống ngực/nhịp tim đập nhanh
  • Cảm giác đói, tê vùng môi, lưỡi hoặc má

Ở giai đoạn này, những bệnh nhân sử dụng insulin với mức đường huyết thấp mạn tính, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 lâu hơn 5-10 năm, có thể không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào (được gọi là “hạ đường huyết vô thức”). Do đó làm tăng nguy cơ hạ đường huyết trầm trọng và đe dọa tính mạng. 

Ngoài ra, những người chịu ảnh hưởng của cồn, mệt mỏi, đang dùng thuốc chẹn thụ thể beta (thường dùng để điều trị tăng huyết áp) có thể không nhận thấy các triệu chứng sớm của hạ đường huyết hoặc không nhận ra các triệu chứng này là do đường huyết thấp.

3.2 Hạ đường huyết cấp độ 2

Bệnh nhân hạ đường huyết mức độ 2 có thể lú lẫn, lo lắng hoặc khó chịu, mất điều hoà vận động, run rẩy, mờ mắt. Hạ đường huyết nặng có thể gây co giật, hôn mê hoặc tử vong.

Một dạng khác của hạ đường huyết vô thức là tình trạng hạ đường huyết về đêm xảy ra khi đang ngủ, có thể gây quấy rầy giấc ngủ nhưng thường không được nhận ra. Hạ đường huyết về đêm khó chẩn đoán và có thể tăng nguy cơ hạ đường huyết vô thức trong vòng 48-72 giờ sau đó.

Hạ đường huyết cấp độ 2 có thể gây mờ mắt
Hạ đường huyết cấp độ 2 có thể gây mờ mắt

4. Biến chứng của hạ đường huyết

Hạ đường huyết không được điều trị có thể dẫn tới co giật, mất nhận thức và tử vong. Ngoài ra, hạ đường huyết có thể gây chóng mặt, yếu người, té ngã, chấn thương, tai nạn giao thông, tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.

5. Phương pháp điều trị hạ đường huyết

Hạ đường huyết quá mức cần được điều trị kịp thời khi lượng đường trong máu giảm thấp. Nguyên tắc điều trị là nhanh chóng nâng mức đường huyết đến khoảng an toàn mà không gây tăng đường huyết. Một số biện pháp có thể áp dụng bao gồm:

  • Dùng 15-20g carbohydrate tác động nhanh (bệnh nhân mắc đái tháo đường cần luôn mang theo bên mình carbohydrate tác động nhanh như nước ép hoặc viên nén glucose).
  • Sử dụng đường tinh khiết (viên nén glucose,..) ở bệnh nhân dùng insulin, hoặc bệnh nhân dùng kết hợp thuốc tăng tiết insulin với chất ức chế men alpha-glucosidase.
  • Bệnh nhân hạ đường huyết nặng tại bệnh viện có thể được xử trí nhanh bằng cách dùng 25g glucose 50% (dextrose) đường tĩnh mạch (IV).
  • Trường hợp hạ đường huyết nặng không thể tiếp nhận đường tĩnh mạch, sử dụng glucagon (tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc mũi) trong vòng 15 phút.

Chiến lược điều trị lâu dài cần xác định và xử trí nguyên nhân gây hạ đường huyết.

6. Cách ngăn ngừa hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Đo đường huyết định kì giúp chủ động ngăn ngừa hạ đường huyết
Đo đường huyết định kì giúp chủ động ngăn ngừa hạ đường huyết
  • Sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM) để đo mức đường huyết định kỳ và cảnh báo nếu mức đường huyết xuống dưới ngưỡng mục tiêu.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống thường ngày đầy đủ carbohydrate 
  • Kiểm tra lượng đường trong máu trước, trong và sau khi hoạt động thể chất, đồng thời điều chỉnh lượng thuốc hoặc lượng carbohydrate để phòng ngừa hạ đường huyết

Kết luận

Hạ đường huyết quá mức có thể đe dọa tính mạng và có thể là biến chứng trong quá trình sử dụng các liệu pháp điều trị đái tháo đường. Các triệu chứng hạ đường huyết xảy ra từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào mức độ hạ đường huyết. Kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào cơ thể, mức độ hoạt động thể chất cũng như theo dõi chặt chẽ nồng độ glucose trong quá trình sử dụng thuốc góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và các rủi ro khác cho bệnh nhân.

Hoàng Thị Thu Phương, Bùi Nguyễn Yên Chi, Võ Thị Minh Anh, Phan Thị Anh Thư, Nguyễn Hoàng Nam

a Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

b Giảng viên Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Cố vấn chuyên môn Dược: Võ Phùng Nguyên