Suy giáp là một dạng rối loạn chức năng do nhiều nguyên nhân gây ra. Các biến chứng của bệnh đôi khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ. Nhiều người thường nghĩ suy giáp là do thiếu chất. Sự thật có phải như vậy? Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây suy giáp phổ biến nhé!
1. Suy giáp là gì?
Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp (1). Hormone tuyến giáp giúp điều hòa sự trao đổi chất, bao gồm các quá trình hóa học cần thiết để duy trì sự sống: chức năng tim và hệ thần kinh, nhiệt độ cơ thể, sức mạnh cơ bắp, tình trạng khô da, chu kỳ kinh nguyệt, cân nặng và mức cholesterol (2).
Khi nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp, các tế bào của cơ thể không thể nhận đủ hormone tuyến giáp và các quá trình của cơ thể bắt đầu chậm lại, gây nên những triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, táo bón, chuột rút, khô da, nhạy cảm với lạnh, trầm cảm, vô sinh,…. (2,3)
2. Nguyên nhân gây suy giáp?
Có nhiều nguyên nhân khiến các tế bào trong tuyến giáp không thể tạo đủ hormone tuyến giáp bao gồm (1,3,6):
2.1 Bệnh tự miễn
Ở một số người, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng xâm nhập có thể nhầm các tế bào tuyến giáp và các enzym của chúng với những tác nhân bên ngoài và có thể tấn công chúng. Khi đó, cơ thể không còn đủ tế bào tuyến giáp và các enzym để tạo ra đủ hormone tuyến giáp.
Viêm tuyến giáp do tự miễn có thể bắt đầu đột ngột hoặc có thể phát triển chậm trong nhiều năm. Các dạng phổ biến nhất là viêm tuyến giáp Hashimoto và viêm tuyến giáp teo (Atrophic thyroiditis). (3)
2.2 Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp
Các trường hợp bệnh nhân bị nhân giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bệnh Graves cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp chắc chắn sẽ dẫn đến suy giáp. Nếu cắt bỏ một phần, phần tuyến giáp còn lại có thể không đủ hormone để giữ cho nồng độ trong máu ở mức bình thường và dẫn tới suy giáp. Trường hợp này bệnh nhân cần phải xét nghiệm nồng độ hormon mới có thể đánh giá được.

2.3 Điều trị bức xạ
Những người mắc bệnh Graves, bướu giáp thể nhân hoặc ung thư tuyến giáp được điều trị bằng iốt phóng xạ (I-131) với mục đích phá hủy tuyến giáp; bệnh nhân mắc bệnh Hodgkin, ung thư hạch hoặc ung thư đầu hoặc cổ được điều trị bằng bức xạ có thể mất một phần hoặc toàn bộ chức năng của tuyến giáp.
2.4 Suy giáp bẩm sinh
Một số trẻ em sinh ra không có tuyến giáp, tuyến giáp chỉ được hình thành một phần, tuyến giáp đặt sai vị trí. Ở một số trẻ sơ sinh, các tế bào tuyến giáp hoặc các enzym của chúng không hoạt động bình thường.
2.5 Viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp là tình trạng viêm của tuyến giáp, thường do một cuộc tấn công tự miễn dịch hoặc do nhiễm virus. Viêm tuyến giáp có thể làm cho tuyến giáp thải toàn bộ nguồn cung cấp hormone tuyến giáp dự trữ vào máu cùng một lúc, gây ra cường giáp trong thời gian ngắn; sau đó tuyến giáp trở nên kém hoạt động.
2.6 Thuốc
Một số thuốc (lithium, ethionamid, sulfamid, i-ốt) có tác dụng ức chế tổng hợp hoặc giải phóng thyroxin. Các cytokin (interferon α, interleukin 2) gây phá hủy tuyến giáp (1). Những loại thuốc này rất có thể gây ra chứng suy giáp ở những bệnh nhân có khuynh hướng di truyền về bệnh tuyến giáp tự miễn.

2.7 Quá nhiều hoặc thiếu i-ốt (bướu cổ địa phương)
Tuyến giáp phải có iốt để tạo ra hormone tuyến giáp. Giữ cho việc sản xuất hormone tuyến giáp ở mức cân bằng cần có lượng i-ốt phù hợp. Việc sử dụng quá nhiều i-ốt cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng suy giáp.
2.8 Tổn thương tuyến yên
Tuyến yên điều hòa lượng hormone tuyến giáp được tạo ra tại tuyến giáp. Khi tuyến yên bị tổn thương do khối u, bức xạ hoặc phẫu thuật, nó có thể không còn khả năng cung cấp các chỉ dẫn cho tuyến giáp và tuyến giáp có thể ngừng sản xuất đủ hormone.
2.9 Tuyến giáp thâm nhiễm
Ở một số người, các rối loạn làm lắng đọng các chất bất thường trong tuyến giáp có thể làm suy giảm khả năng hoạt động của nó (1). Ví dụ, bệnh amyloidosis có thể lắng đọng protein amyloid, bệnh sarcoidosis có thể lắng đọng u hạt và bệnh rối loạn sắc tố di truyền có thể lắng đọng sắt.
Như vậy, trong rất nhiều nguyên nhân gây suy giáp kể trên thì thiếu chất (cụ thể là thiếu i-ốt) chỉ là một trong số đó. Tuy nhiên, thiếu i-ốt có thể phòng ngừa nhờ chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Ở các nước đang phát triển và chưa phát triển, thiếu i-ốt đã được xác định là một trong những yếu tố có thể điều chỉnh được có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ (5).
3. Vai trò của i-ốt trong hoạt động tuyến giáp
I-ốt là một thành phần thiết yếu để sản xuất hormone tuyến giáp. Cơ thể không tạo ra i-ốt, vì vậy nó phải được cung cấp trong chế độ ăn uống. I-ốt có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm.
Việc hấp thụ không đủ i-ốt dẫn đến không sản xuất đủ hormone tuyến giáp (4,5). Ở người lớn hiếm gặp suy giáp do thiếu i-ốt. Khi thiếu i-ốt trầm trọng xảy ra trong thai kỳ, nó có liên quan đến suy giáp bẩm sinh, suy giảm trí tuệ và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em (5).
I-ốt có tự nhiên trong đất và nước biển. Hàm lượng i-ốt trong thực phẩm là khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Có thể duy trì lượng iốt đầy đủ trong chế độ ăn uống bằng cách sử dụng muối ăn có iốt, ăn các thực phẩm nhiều iốt, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa, hải sản, thịt, một số loại bánh mì, trứng, rong biển, cá nước mặn hoặc vitamin có chứa i-ốt (4).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày như sau (7):
- 90 mcg cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi
- 120 mcg cho trẻ 6-12 tuổi
- 150 mcg cho trẻ ≥12 tuổi và người lớn
- 250 mcg trong thời kỳ mang thai và cho con bú

Thiếu i-ốt chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân gây suy giáp. Tuy không phải là một nguyên nhân phổ biến nhất nhưng đây là một yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Bổ sung i-ốt hàng ngày giúp tuyến giáp có thể tổng hợp đủ hormone tuyến giáp và điều hòa các hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể.
Hoàng Thị Mỹ Huyền, Phạm Lý Mộng Kiều, Nguyễn Hoàng Nam
Cố vấn chuyên môn: Võ Phùng Nguyên