Những người mới mắc đái tháo đường type 2 có sự tăng sử dụng kháng sinh trước khi khởi phát

Những người mới mắc bệnh ĐTĐ type 2 cho thấy có sự gia tăng sử dụng kháng sinh (KS) trong vài năm trước khi được chẩn đoán bệnh nhiều hơn những người không tiến triển bệnh này, theo một nghiên cứu bệnh chứng ở người Đan Mạch.

Nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, bao gồm tất cả 170 504 người ở Đan Mạch mới được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ type 2 và đã dùng thuốc hạ đường huyết lần đầu tiên từ ngày 01/01/2000 đến ngày 31/12/2012.

Kết quả cho thấy có sự tăng sử dụng kháng sinh cao hơn đáng kể ở người mắc ĐTĐ type 2. Những người này trung bình được kê 0,8 kháng sinh mỗi năm, so với 0,5 kháng sinh được kê ở nhóm chứng. Sự tăng sử dụng kháng sinh này ở những người mới mắc ĐTĐ type 2 sớm nhất là 15 năm trước khi chẩn đoán.

Đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 2


Các kết quả cũng cho thấy một mối tương quan đáp ứng – liều giữa sự phơi nhiễm kháng sinh và ĐTĐ type 2 trong tất cả các nhóm kháng sinh, nhưng sự liên quan mạnh hơn được quan sát thấy ở việc sử dụng các KS phổ hẹp như penicillin V (OR 1,55) và các kháng sinh diệt khuẩn (1,48) so với KS phổ rộng hay KS kìm khuẩn (tương ứng là 1,31 và 1,39).

Các nhà nghiên cứu bình luận: “Mặc dù chúng ta không thể suy luận hệ quả từ nghiên cứu này, nhưng phát hiện mới làm tăng khả năng rằng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ type 2. Một giải thích thuyết phục khác có thể là do bệnh nhân tiến triển bệnh ĐTĐ type 2 trong khoảng vài năm và phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn trong thời gian đó”.

“Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tác động của KS trên hệ vi khuẩn trong ruột có thể góp phần làm suy giảm chuyển hóa glucose. Điều này có thể giải thích tại sao tỷ lệ cao hơn của việc sử dụng kháng sinh có liên quan với sự phát triển bệnh ĐTĐ type 2, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu để giải thích các kết quả này”, Kristian Hallundbæk Mikkelsen, tác giả nghiên cứu từ Bệnh viện Gentofte tại Hellerup, Đan Mạch, cho biết.