Người bệnh suy giáp nên ăn gì?

1. Chế độ ăn ảnh hưởng đến bệnh suy giáp

Một chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh và đảm bảo chất lượng sống thường ngày của bệnh nhân [2].

  • Thực phẩm có chứa một số chất dinh dưỡng như i-ốt, selen và kẽm có thể giúp duy trì chức năng tuyến giáp khỏe mạnh.
  • Một số thực phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tuyến giáp và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của suy giáp.
  • Một số loại thực phẩm và chất bổ sung khác có thể cản trở cơ thể hấp thu thuốc trong điều trị suy giáp. Đặc biệt, bệnh nhân suy giáp điều trị với levothyroxine cần uống thuốc khi bụng rỗng: 60 phút trước bữa sáng hoặc ít nhất 3 giờ sau bữa ăn cuối vào buổi tối.
Bệnh nhân cần uống thuốc khi bụng rỗng
Bệnh nhân cần uống thuốc khi bụng rỗng

2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh suy giáp

2.1 I-ốt

I-ốt là một nguyên tố cần thiết để sản xuất hormone tuyến giáp. Cơ thể không tự tạo ra i-ốt, do đó nó cần được bổ sung trong chế độ ăn uống của bệnh nhân [3].

Thiếu i-ốt là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giáp. Để tổng hợp đủ lượng hormone giáp thyroxine (T4), tuyến giáp cần hấp thụ khoảng 52 mcg i-ốt hàng ngày. Thiếu i-ốt trầm trọng phát triển khi lượng i-ốt ăn vào thường xuyên dưới 20 mcg/ngày [4].

Học viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (IOM) khuyến cáo lượng i-ốt tối thiểu hàng ngày là:

  • 90 mcg cho trẻ từ 1-8 tuổi
  • 120 mcg cho trẻ em từ 9-13 tuổi
  • 150 mcg cho thanh thiếu niên lớn tuổi và người lớn không mang thai
  • 220 mcg cho phụ nữ mang thai
  • 290 mcg cho phụ nữ đang cho con bú
I ốt là dưỡng chất không thế thiếu trong chế độ ăn của người bệnh suy giáp
I ốt là dưỡng chất không thế thiếu trong chế độ ăn của người bệnh suy giáp

2.2 Selen và kẽm

Selen (Se) và kẽm (Zn) đều là những nguyên tố vi lượng cần thiết tham gia vào quá trình chuyển hóa hormone tuyến giáp.

Se xuất hiện ở dạng acid amin selenocysteine trong selenoprotein. Selenoprotein có nhiều tác dụng sinh lý đối với sức khỏe con người. Một dạng của selenoprotein là enzym iodothyronine deiodinase (DIO), xúc tác chuyển đổi T4 thành triiodothyronine (T3), giúp kiểm soát tốt sự chuyển hóa của hormone tuyến giáp. Bổ sung Se có thể tạo ra tác dụng có lợi trong diễn tiến bệnh viêm tuyến giáp do tự miễn nhưng các kết quả nghiên cứu không đồng nhất [5,6].

Bên cạnh đó, bổ sung kẽm một mình hoặc kết hợp với bổ sung selen giúp cải thiện chức năng tuyến giáp ở phụ nữ bị suy giáp thừa cân hoặc béo phì [7].

3. Bệnh suy giáp nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm có thể cân nhắc bổ sung đối với người bệnh suy giáp như [2]:

  • Thực phẩm giàu i-ốt như phô mai, sữa, muối ăn chứa iốt, cá nước mặn, rong biển, các loại trứng, hải sản, bánh mì,… Nếu bệnh nhân đang dùng levothyroxine để điều trị suy giáp thì không cần tăng cường bổ sung i-ốt.
  • Thực phẩm giàu selen bao gồm: quả hạch, cá ngừ, tôm, thịt bò, gà, giăm bông, trứng, cháo bột yến mạch, gạo lức,…
  • Thực phẩm giàu kẽm bao gồm: hàu, thịt bò, cua, ngũ cốc, thịt heo, gà, các loại cây họ đậu, hạt bí ngô, sữa chua,…
I ốt có nhiều trong phô mai, trứng, hải sản,...
I ốt có nhiều trong phô mai, trứng, hải sản,…

4. Những loại thực phẩm cần hạn chế

Một số chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tuyến giáp. Hạn chế những thực phẩm giàu các chất này có thể giúp kiểm soát tình trạng suy giáp [2,9,10].

  • Một số loại rau chứa goitrogen: Progoitrin và glucosinolate indolylic trong các loại cây họ cải phân hủy thành goitrin và thiocyanate có thể làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp. Cải thìa, bông cải xanh, cải bắp, súp lơ trắng và một số cải xoăn chứa lượng goitrin đủ để làm giảm khả năng hấp thu iốt của tuyến giáp.
  • Gluten: Lúa mì và các loại ngũ cốc khác như đại mạch, yến mạch và lúa mạch đen có chứa gluten (một loại protein). Những người mắc suy giáp liên quan đến tự miễn dịch có thể thử chế độ ăn không có gluten để xem liệu các triệu chứng có cải thiện hay không.
  • Thực phẩm đã qua chế biến: Giảm tiêu thụ thực phẩm “siêu chế biến” và chứa nhiều đường (như thức ăn nhanh, xúc xích, bánh donut, bánh quy, soda) có thể giúp cải thiện các triệu chứng, kiểm soát cân nặng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Người bệnh suy giáp nên hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh
Người bệnh suy giáp nên hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh

Kết luận

Bệnh suy giáp nên ăn gì là một trong những câu hỏi phổ biến của người bệnh suy giáp. Các dược sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân chú ý một số chất dinh dưỡng và loại thực phẩm có thể hỗ trợ hoặc cản trở chức năng của tuyến giáp. Bên cạnh đó, điều quan trọng là hướng tới một chế độ ăn uống thích hợp để hỗ trợ việc hấp thu thuốc điều trị suy giáp và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Phạm Lý Mộng Kiều, Vũ Thị Thúy, Nguyễn Hoàng Nam