Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp

Giới thiệu 

Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tăng cao kéo dài, huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >= 90 mmHg (theo Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam). Tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến biến chứng tổn thương các cơ quan. Các phương pháp điều trị để giảm huyết áp thường dễ thực hiện và có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng.

Thay đổi lối sống là bước đầu tiên quan trọng trong điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ. Khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề về cảnh báo đặc biệt, chống chỉ định, tác dụng phụ thường gặp hoặc ít gặp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng của mỗi thuốc cụ thể.

THUỐC ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP

Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Các thuốc này không thể điều trị dứt điểm căn nguyên tăng huyết áp mà chỉ giúp điều chỉnh huyết áp của bệnh nhân về mức bình thường, ổn định. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và điều trị suốt đời kể cả khi cảm thấy khoẻ, không có triệu chứng bất thường.

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp – Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu làm giảm huyết áp chủ yếu bằng cách làm thận bài tiết nhiều natri và nước, làm giảm thể tích dịch trong cơ thể và giãn các mạch máu. Thuốc lợi tiểu được sử dụng thuộc các nhóm thiazide, tương tự thiazide, lợi tiểu quai hoặc lợi tiểu tiết kiệm kali.

Sử dụng thuốc lợi tiểu thiazide liều thấp thường ít gây tác dụng phụ. Lợi tiểu thiazide và tương tự thiazide làm tăng và giảm nồng độ một số chất điện giải. Chóng mặt, phát ban, nhạy cảm ánh sáng, kiềm hoá là các tác dụng phụ thường gặp. Chống chỉ định khi dị ứng với thuốc có cấu trúc sulfonamid, thận trọng ở bệnh nhân có bệnh gan tiến triển. Thuốc có thể dẫn đến hoặc làm nặng hơn các bệnh mắc kèm như đái tháo đường, gout, bệnh thận mạn, lupus ban đỏ,… 

Lợi tiểu quai làm giảm tất cả các chất điện giải, tăng glucose và lipid máu, giảm chức năng tình dục, phát ban, nhạy cảm ánh sáng, lupus ban đỏ. Bệnh nhân gia tăng nguy cơ độc tính tai khi sử dụng cùng lúc với các thuốc có độc tính tai khác.

Lợi tiểu tiết kiệm kali cần lưu ý khả năng mất nước, hạ natri máu, chóng mặt, tăng clor máu, gây toan chuyển hoá hiếm gặp. 

Tuy nhiên, các hoạt chất này không ảnh hưởng đến glucose và acid uric nên dùng được cho bệnh nhân đái tháo đường, gout.

Cần lưu ý khả năng mất nước sử dụng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali 
Cần lưu ý khả năng mất nước sử dụng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali

Cảnh báo: 

Amiloride, triamterene: tăng kali máu thường xảy ra hơn ở BN đái tháo đường, suy thận hoặc người cao tuổi. 

Spironolactone: có thể hình thành khối u trong các nghiên cứu về độc tính mạn ở chuột; chỉ nên dùng theo đúng chỉ định. 

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp – Thuốc chẹn beta adrenergic

Thuốc chẹn beta adrenergic làm giảm huyết áp một phần bằng cách giảm nhịp tim và sức co tim. 

Cần phân biệt các nhóm thuốc chẹn beta không chọn lọc như Pindolol, Propranolol, Sotalol có thể gây co thắt phế quản, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen suyễn, các bệnh phổi khác hoặc bệnh mạch máu ngoài tim. Những β-blocker tác dụng chọn lọc trên tim mạch như  Atenolol, Βxolol, Bisoprolol,.. hạn chế được các tác dụng phụ trên phế quản khi mà liều điều trị không vượt qua liều điều trị theo lý thuyết. 

Ngoài ra, thuốc chẹn beta có thể che dấu các triệu chứng của hạ đường huyết ở những người mắc đái tháo đường đang điều trị bằng insulin. Thuốc có thể che dấu các dấu hiệu của cường giáp, nhịp tim nhanh. 

Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta không chọn lọc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen suyễn.
Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta không chọn lọc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen suyễn.

Cảnh báo: 

Không ngưng thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta adrenergic đột ngột, đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Giảm liều từ từ trong 1 – 2 tuần khi cần

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp – Thuốc chẹn alpha adrenergic

Thuốc chẹn alpha làm giãn hoặc giảm trương lực của cơ không tự chủ trong thành cơ trơn mạch máu, giúp các mạch mở rộng, do đó làm giảm huyết áp. 

Thuốc chẹn alpha có thể gây hạ huyết áp thế đứng, chóng mặt, đau đầu, đánh trống ngực do nhịp tim nhanh đặc biệt xảy ra với vài liều đầu tiên. 

Các thuốc chẹn alpha không thường được sử dụng như một phương pháp điều trị đầu tay cho tăng huyết áp nguyên phát. Một số thuốc dùng ở nam giới lớn tuổi trị các triệu chứng liên quan phì đại tuyến tiền liệt lành tính và tăng huyết áp. Các thuốc này ít tác dụng phụ chóng mặt và hạ huyết áp hơn nhưng gây giãn bàng quang, bất thường phóng tinh. 

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp – Thuốc ức chế men chuyển (ACEI)

ACEI  ức chế quá trình sản xuất angiotensin II, giúp giãn các mạch máu, làm giảm huyết áp và cải thiện cung lượng tim. 

Ở một số người, thuốc ức chế men chuyển gây ho khan dai dẳng và có thể hồi phục khi ngừng thuốc. 

Biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng thuốc ức chế men chuyển là phù mạch, xảy ra ở 0,1-0,7% số người dùng. Biểu hiện gồm sưng môi, lưỡi và cổ họng, có thể gây cản trở hô hấp. Đây là một tình trạng cấp cứu và nên ngừng thuốc ngay khi xuất hiện triệu chứng.

ACEi gây tăng kali và hạ natri máu nên thận trọng và theo dõi chức chức năng thận ở bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân hẹp động mạch thận. Các thuốc thuộc phân loại nhóm D cho phụ nữ mang thai. 

Cần ngưng dùng thuốc khi phát hiện có thai
Cần ngưng dùng thuốc khi phát hiện có thai

Cảnh báo: Có thể gây tổn thương và tử vong thai nhi khi dùng ở 3 tháng giữa và cuối thai kỳ; ngưng thuốc ngay khi phát hiện có thai. 

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp – Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II

Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) ngăn chặn tác động của angiotensin II trên các tế bào ở tim và mạch máu, từ đó giúp giãn mạch máu, giảm huyết áp và cải thiện cung lượng tim. 

ARB không gây ho khan. Một số người dùng ARB có thể cảm thấy đau đầu, buồn nôn, khô miệng, đau bụng hoặc có các tác dụng phụ khác. Phù mạch ít phổ biến hơn khi dùng thuốc ARB so với ACEI.

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp – Thuốc chẹn kênh calci (CCB)

Thuốc chẹn kênh calci làm giảm lượng calci đi vào cơ trơn thành mạch máu và cơ tim, làm tế bào cơ và mạch máu giãn ra, làm giảm huyết áp cũng như giảm lực co và nhịp tim. Có hai phân nhóm CCB chính: dihydropyridine và non-dihydropyridine 

Thuốc thuộc nhóm CCB dihydropyridine có thể gây đau đầu, đỏ bừng mặt, buồn nôn, tăng sản mô nướu, sưng phù các chi ở ngoại vi, hoặc đánh trống ngực, nhịp tim nhanh. Thận trọng ở bệnh nhân hẹp động mạch nặng, đau thắt ngực và/hoặc nhồi máu cơ tim. Thận trọng với bệnh nhân suy gan, bắt bắt đầu với liều thấp và điều chỉnh liều từ từ. 

Thuốc nhóm CCB non-dihydropyridine đôi khi có thể làm cho nhịp tim chậm lại quá mức, cần thận trọng với người có nhịp xoang chậm, block nhĩ-thất, hạ huyết áp, suy tim, tăng các xét nghiệm chức năng gan. 

Thận trọng khi dùng thuốc với bệnh nhân suy gan
Thận trọng khi dùng thuốc với bệnh nhân suy gan

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp – Thuốc giãn mạch trực tiếp

Thuốc giãn mạch trực tiếp làm giãn hoặc giảm trương lực của mạch máu. Hai loại thuốc trong nhóm này là hydralazine và minoxidil. Minoxidil thường chỉ được sử dụng cho tăng huyết áp nghiêm trọng hoặc kháng trị.

Các tác dụng phụ liên quan đến thuốc giãn mạch trực tiếp bao gồm nhức đầu, táo bón, sưng phù cẳng chân và tim đập nhanh. Những tác dụng phụ này thường được giảm thiểu bằng cách kết hợp thuốc giãn mạch với thuốc chẹn beta. 

Hoàng Thị Thu Phương, Bùi Nguyễn Yên Chi, Võ Thị Minh Anh, Phan Thị Anh Thư, Nguyễn Hoàng Nam

a Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

b Giảng viên Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Cố vấn chuyên môn Dược: Võ Phùng Nguyên