Tăng huyết áp là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Hơn 50% bệnh nhân bị tăng huyết áp có liên quan đến cường giao cảm (biểu hiện là tần số tim tăng). Tần số tim tăng nhanh cũng có thể liên quan đến tình trạng huyết áp tăng cao, tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và trong số những người bị tăng huyết áp sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tần số tim ở người bình thường dao động ở mức 60-100 nhịp/phút (theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ). Tần số tim nhanh hay chậm đều có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn thuốc tăng huyết áp cho bệnh nhân. Theo khuyến cáo của ESC 2018, bệnh nhân tăng huyết áp cần được kiểm soát huyết áp về mức mục tiêu và kiểm soát tần số tim dưới 80 lần/ phút. Nếu không kiểm soát được tần số tim sẽ gây ra rất nhiều các biến chứng tim mạch cho bệnh nhân.
1. Thuốc điều trị tăng huyết áp
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Một số nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp thường gặp như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta adrenergic, thuốc chẹn alpha adrenergic, thuốc ức chế men chuyển (ACEi), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chẹn kênh calci (CCB), thuốc giãn mạch trực tiếp.
Mỗi nhóm thuốc đều có cơ chế, đích tác động riêng vì thế tùy vào vị trí tác động mà nó sẽ có một số tác dụng phụ khác nhau như thay đổi tần số tim, hạ huyết áp đột ngột, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi. Do đó, tuỳ thuộc vào bệnh cảnh của bệnh nhân mà chúng ta lựa chọn thuốc tăng huyết áp để kiểm soát huyết áp một cách an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân.
Tăng huyết áp gây tăng áp lực lên thành mạch máu khiến cho tim bơm máu khó khăn hơn dẫn tới tăng tần số tim. Khi dùng thuốc hạ áp có nguy cơ làm giảm tần số tim dẫn tới những biến cố tim mạch khác như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Một số thuốc thuốc điều trị tăng huyết áp có ảnh hưởng tần số tim thường gặp như thuốc thuốc chẹn β adrenergic, chẹn kênh calci (CCB), thuốc chẹn alpha adrenergic.

2. Một số nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp cần lưu ý khi dùng
2.1 Thuốc chẹn β adrenergic
Thuốc chẹn thụ thể gây hạ huyết áp bằng cách làm giảm tần số tim và giảm co bóp cơ tim. Một số thuốc chẹn β có hoạt tính giao cảm nội tại (ISA) (acebutolol, penbutolol và pindolol). Những thuốc này không làm giảm tần số tim nhiều như thuốc chẹn không có hoạt tính giao cảm nội tại (non-ISA) (bisoprolol…) (1).
Về mặt lý thuyết, thuốc chẹn β có ISA dường như có lợi thế hơn so với thuốc chẹn β không ISA ở bệnh nhân suy tim hoặc nhịp xoang chậm. Không may, chúng dường như không làm giảm các biến cố tim mạch tốt như các thuốc chẹn β khác. Trên thực tế, chúng có thể làm tăng nguy cơ tim mạch sau nhồi máu cơ tim hoặc ở những người bị bệnh mạch vành. Do đó, chúng hiếm khi được sử dụng (2). Một số thuốc thuộc nhóm bisoprolol là thuốc có tính chọn lọc beta 1 cao, ISA (-) vừa giúp kiểm soát huyết áp và kiểm soát nhịp tim trong vòng 24h mà lại khá an toàn cho bệnh nhân mà không gây ra nhiều tác dụng phụ.
Lưu ý khi sử dụng: Khi lựa chọn thuốc tăng huyết áp chẹn β adrenergic, cần theo dõi tần số tim của bệnh nhân khi sử dụng, giảm liều nếu tần số tim bệnh nhân dưới 55 lần/phút. Tránh sử dụng chẹn β chung với các thuốc làm giảm tần số tim, bao gồm diltiazem, verapamil, digoxin, clonidine, amiodarone và dexmedetomidine (1).
2.2 Thuốc chẹn kênh Calci (CCB) (2)
Các thuốc non dihydropyridine (verapamil và diltiazem) làm giảm tần số tim và chậm dẫn truyền nút nhĩ thất. Tương tự như thuốc chẹn β, những loại thuốc này cũng có thể điều trị các chứng bệnh có nhịp nhanh bất thường (ví dụ: rung nhĩ). Verapamil có xu hướng gây suy tim tâm thu ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Diltiazem cũng có những tác dụng này nhưng ở mức độ nhẹ hơn verapamil.

Các thuốc nhóm dihydropyridine có thể gây ra nhanh tần số tim vì tác dụng giãn mạch ngoại vi mạnh của chúng. Tác dụng này dường như rõ ràng hơn với các dihydropyridine thế hệ đầu tiên (nifedipine) và giảm đáng kể với các thuốc mới hơn (amlodipine) và khi được sử dụng ở dạng liều giải phóng duy trì. Dihydropyridine không làm thay đổi sự dẫn truyền qua nút nhĩ thất và do đó không phải là tác nhân ảnh hưởng trong loạn nhịp nhanh trên thất. Dihydropyridine có chống chỉ định tương đối trên bệnh nhân có tần số tim nhanh.
Diltiazem và verapamil có thể gây ra các bất thường về dẫn truyền tim như chậm tần số tim hoặc block nhĩ thất. Những vấn đề này hầu hết xảy ra với liều cao hoặc khi sử dụng cho những bệnh nhân có bất thường từ trước trong hệ thống dẫn truyền tim.
Thận trọng:
Khi sử dụng các loại thuốc khác làm giảm tần số tim bao gồm thuốc chẹn β, digoxin, clonidine, amiodarone và dexmedetomidine (2).
2.3 Thuốc chẹn Alpha adrenergic
Những loại thuốc chẹn alpha-2 trung tâm (clonidine, guanabenz, guanfacine, and methyldopa) làm hạ huyết áp, làm giảm kháng trợ ngoại biên và giảm tần số tim. Clonidine thường được sử dụng cho bệnh tăng huyết áp kháng trị và ở những bệnh nhân khó dùng thuốc đường uống (ví dụ: do chứng khó nuốt, mất trí nhớ) vì nó có dạng miếng dán. Vì miếng dán được thay đổi hàng tuần nên có thể giúp bệnh nhân dễ dàng tuân thủ (1).
Cảnh báo đóng khung: Cẩn thận khi sử dụng clonidine để kiểm soát cơn đau trong phẫu thuật liên quan tới sản khoa vì nguy cơ hạ huyết áp và gây chậm tần số tim (3).
Kết luận
Tỉ lệ tăng huyết áp không ngừng gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm với khoảng 10 triệu người năm 2015 (4). Tăng huyết áp không được kiểm soát có thể khiến bệnh nhân gặp nguy cơ mắc các bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận cao hơn.
Một số nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp thường gặp trên thị trường như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta adrenergic, thuốc chẹn alpha adrenergic, thuốc ức chế men chuyển (ACEi), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chẹn kênh calci (CCB), thuốc giãn mạch trực tiếp. Tuỳ thuộc vào đặc điểm, bệnh kèm, chống chỉ định của bệnh nhân để có thể lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp một cách hợp lý.
Ở bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát tần số tim khi lựa chọn thuốc tăng huyết áp bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề quan trọng về chống chỉ định, cảnh báo đặc biệt và tác dụng phụ không mong muốn. Khi điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân không chỉ cần quan tâm đến chỉ số huyết áp đạt được mức mục tiêu mà còn phải lưu ý kiểm soát tần số tim dưới 80 lần/phút.
Hà Trần Thảo Minh a, Nguyễn Thị Thanh Ngân a, Trần Quỳnh Nhi a, Đào Khánh Linh a, Lê Huỳnh Đức Minh b
a Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
b Giảng viên Khoa Dược Hutech, Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Cố vấn chuyên môn Dược: Võ Phùng Nguyên