Người mẹ mang thai cần đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ, để không làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và cả quá trình mang thai của người mẹ. Bệnh cường giáp là một trong những bệnh lý cần đặc biệt quan tâm trong quá trình mang thai. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về bệnh là điều rất cần thiết có thể giúp bạn cách xử lý thích hợp khi gặp những triệu chứng của bệnh.
1. Cường giáp là gì? (1)
Tuyến giáp của người tạo ra hormone giáp, có chức năng kiểm soát cách cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng. Cường giáp là thuật ngữ được sử dụng khi tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone giáp. Tình trạng này làm cho tim đập nhanh, cơ thể run rẩy, lo lắng. Bên cạnh đó, cường giáp có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của người mẹ. Vì thế, những kiến thức về cường giáp và sức khỏe thai kì là vô cùng cần thiết.
2. Cường giáp ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào? (1-3)
Cường giáp nhẹ thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mẹ hoặc thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng cường giáp nặng không được kiểm soát tốt có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng:
- Đối với thai kỳ và em bé: tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, các ảnh hưởng lâu dài đến trẻ như rối loạn co giật và rối loạn hành vi thần kinh
- Đối với người mẹ: có thể gây tăng huyết áp thai kỳ, suy tim sung huyết, tiền sản giật, bão giáp (1,2,3)
Ngoài ra, các thuốc kháng giáp (như methimazole, propylthiouracil) được sử dụng để điều trị cường giáp cũng có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Các thuốc này qua được nhau thai và có thể gây tổn thương chức năng tuyến giáp của thai nhi, đồng thời tiềm tàng nguy cơ gây dị tật bẩm sinh.

3. Cường giáp xảy ra trong thời kì thai sản: nguyên nhân vì sao? (1)
Trong quá trình mang thai, việc thay đổi sinh lý và nội tiết tố cũng có thể làm thay đổi chức năng tuyến giáp. Có hai nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp khi mang thai:
- Bệnh Graves (hay Basedow): một bệnh tự miễn dẫn đến sự hoạt động quá mức của tuyến giáp
- Cường giáp qua trung gian hCG: do sự tăng cao nồng độ của một loại hormone thai kì gọi là hCG (human chorinic gonadotropin) gây ra
Việc tìm nguyên nhân chính xác của cường giáp xuất hiện trong thời kỳ mang thai cần dựa vào sự xem xét kỹ tiền sử, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm máu khác nhau.
4. Người mắc bệnh cường giáp có nên mang thai không?
4.1 Trường hợp chưa có thai
Việc mang thai tốt nhất nên được trì hoãn cho đến khi cường giáp được điều trị và tình trạng tuyến giáp về bình thường (1,2). Khi đó, bạn không cần phải sử dụng thuốc điều trị trong suốt thời kỳ mang thai.
Các liệu pháp điều trị ở người không mang thai bao gồm thuốc kháng giáp, i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn tuyến giáp. Trường hợp được điều trị bằng i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật, người bệnh cần chờ ít nhất 6 tháng trước khi mang thai (để đảm bảo thời gian cho bác sĩ kiểm tra xem cơ thể bạn có tạo đủ lượng hormone giáp hay không sau điều trị).
4.2 Trường hợp đã mang thai
Bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cường giáp và mức độ nghiêm trọng, sẽ có các liệu pháp điều trị khác nhau: (1-4)
- Cường giáp nhẹ: có thể cân nhắc ngừng điều trị. Bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp bằng cách làm xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo sức khỏe thai kì.
- Cường giáp nghiêm trọng cần điều trị: thuốc kháng giáp có thể được lựa chọn. Trong đó, propylthiouracil (PTU) thường được ưu tiên trong 3 tháng đầu thai kỳ. Sau đó, tùy vào tình trạng của người mẹ và thai nhi để lựa chọn cách tiếp cận tiếp theo, do cả PTU và methimazole (thiamazole) đều mang lại các nguy cơ tiềm tàng. Tuy nhiên từ 3 tháng giữa của thai kỳ, methimazole thường được sử dụng nhiều hơn do bình giáp nhanh và tỷ lệ đáp ứng điều trị cao hơn, bên cạnh đó nguy cơ độc gan, hoại tử gan thấp hơn. Mục tiêu điều trị là giữ nồng độ T4 tự do trong khoảng an toàn bằng thuốc kháng giáp ở liều thấp nhất có thể. Ở bệnh nhân không thể điều trị đủ với thuốc kháng giáp (ví dụ: dị ứng với thuốc), có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp như là liệu pháp thay thế. Phẫu thuật được cho là an toàn nhất nếu thực hiện ở 3 tháng giữa thai kỳ. I-ốt phóng xạ bị chống chỉ định để điều trị cường giáp trong thời kỳ mang thai, do có thể đi qua nhau thai và gây suy giáp vĩnh viễn ở trẻ.
Người mẹ sẽ được làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp thường xuyên khi mang thai và cả sau khi mang thai để tránh tình trạng bệnh quay trở lại sau đó.

Nếu nồng độ hormone giáp ổn định và người mẹ tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, em bé sinh ra vẫn có thể khỏe mạnh. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đứa trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh Graves có thể phát triển cường giáp. Để kiểm tra tình trạng tuyến giáp bình thường, bé cần được xét nghiệm máu sau khi sinh.
5. Người mẹ cường giáp được điều trị bằng thuốc kháng giáp có thể cho con bú không?
Mặc dù một lượng nhỏ PTU và methimazone có thể truyền qua đường sữa mẹ, tổng liều hằng ngày cho tới 20 mg methimazole hoặc 450mg PTU được coi là an toàn cho trẻ và không cần phải theo dõi tình trạng tuyết giáp của trẻ. Tuy nhiên, người mẹ cũng cần trao đổi với bác sĩ về việc cho con bú để đảm bảo rằng các loại thuốc là an toàn đối với trẻ (1).
Bệnh cường giáp có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của người mẹ. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, sẽ có các hướng điều trị khác nhau. Tốt nhất người bệnh nên trì hoãn việc mang thai cho đến khi tình trạng bệnh được điều trị và chức năng tuyến giáp về bình thường. Người mẹ có bệnh cường giáp muốn mang thai, cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa, để được tư vấn nhằm đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi trong suốt thai kì.
Vũ Thị Thúy, Hoàng Thị Mỹ Huyền, Nguyễn Hoàng Nam
Cố vấn chuyên mông: Võ Phùng Nguyên