Giải đáp: Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?

Suy giáp là một trong những rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất, đặc trưng bởi tình trạng giảm chức năng của tuyến giáp dẫn đến sản xuất không đủ hormone giáp. Thiếu hormone tuyến giáp, cơ thể sẽ sử dụng và dự trữ năng lượng kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của não, tim, mô và các cơ quan khác. Liệu suy giáp có chữa khỏi được không hay phải điều trị suốt đời là câu hỏi được quan tâm bởi nhiều bệnh nhân.

 

1. Nguyên nhân gây suy giáp

Suy giáp thường xảy ra ở nữ giới hơn và nguy cơ mắc suy giáp tăng dần theo độ tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, suy giáp là do những bất thường từ tuyến giáp (được gọi là suy giáp nguyên phát). Ngoài ra, một số loại thuốc và bệnh cũng có thể làm giảm chức năng tuyến giáp. Các loại thuốc như amiodarone, lithium, interferon alpha và interleukin-2 có thể ngăn tuyến giáp tạo ra hormone một cách bình thường. Suy giáp cũng có thể phát triển sau khi can thiệp điều trị bệnh cường giáp, như phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc điều trị bằng i-ốt phóng xạ để phá hủy mô tuyến giáp.

Trong một số trường hợp, suy giáp là kết quả của việc giảm sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH) của tuyến yên, được gọi là suy giáp thứ phát [1,2].

Suy giáp ở phụ nữ
Suy giáp ở phụ nữ

 

Triệu chứng của suy giáp

Hormone tuyến giáp kích thích quá trình trao đổi chất. Do đó, hầu hết các triệu chứng của suy giáp phản ánh quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại. Các triệu chứng chung có thể bao gồm mệt mỏi, uể oải, tăng cân nhẹ và không chịu được nhiệt độ lạnh. Một số triệu chứng khác bao gồm da khô dễ bong vảy, tóc khô dễ gãy rụng, móng chân, móng tay mủn, dễ gãy, sưng mặt, nhịp tim chậm, táo bón, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.

Các triệu chứng của suy giáp xuất hiện từ từ và không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác. Vì vậy, để xác định chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây suy giáp, có thể thực hiện xét nghiệm máu, phổ biến nhất là xét nghiệm TSH [3,5].

 

Điều trị suy giáp như thế nào?

Mục tiêu của điều trị suy giáp là đưa nồng độ TSH và nồng độ hormone giáp thyroxine (T4) trong máu về mức bình thường, ngăn ngừa diễn tiến tình trạng lâm sàng xấu, đồng thời làm giảm bớt các triệu chứng. Phương pháp điều trị suy giáp là liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp [2-4].

Levothyroxine (LT4) là hormone tuyến giáp tổng hợp, là trị liệu duy nhất được phê duyệt trong điều trị suy giáp nguyên phát. Levothyroxine nên được uống cùng với nước, dùng một lần mỗi ngày khi bụng đói: 30 phút trước bữa ăn sáng hoặc giờ đi ngủ (ít nhất 3 giờ sau bữa ăn cuối) [2-4].

Levothyroxine thường được dùng để điều trị suy giáp nguyên phát
Levothyroxine thường được dùng để điều trị suy giáp nguyên phát

 

Các triệu chứng của suy giáp có thể bắt đầu cải thiện trong vòng 6-8 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc. Cần theo dõi cân nặng, nhịp tim, tình trạng táo bón, cholesterol máu, T4 tự do trong máu, TSH mỗi 6-8 tuần để đánh giá hiệu quả và an toàn khi dùng thuốc [1,2].

Sau khi điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone giáp, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng của cường giáp như mệt mỏi nhưng không ngủ được, thèm ăn, lo lắng, run rẩy, cảm thấy nóng, khó thở và tim đập nhanh. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi dùng thuốc, cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ. Người bệnh không nên tự ý ngưng thuốc hay đổi liều nếu chưa có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.

 

Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?

Đa số người bệnh suy giáp cần được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp suốt đời. Một số ít trường hợp ngoại lệ như suy giáp do dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm tuyến giáp có thể hồi phục hoàn toàn [1,2].

Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng suy giáp nếu dùng thuốc đầy đủ mỗi ngày và làm theo lời dặn của chuyên gia y tế. Việc điều chỉnh liều thuốc theo đáp ứng của người bệnh trong quá trình sử dụng là cần thiết. Với việc kiểm soát tốt lượng hormone giáp của cơ thể, các triệu chứng suy giáp có thể biến mất và không làm ảnh hưởng đến chất lượng sống thường ngày cũng như không làm giảm tuổi thọ của người bệnh [1,3].

Hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng suy giáp nếu tuân thủ phác đồ điều trị 
Hoàn toàn có thể kiểm soát tốt tình trạng suy giáp nếu tuân thủ phác đồ điều trị

 

Kết luận

Hầu hết các trường hợp suy giáp sẽ không tự hồi phục và bệnh nhân cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời. Điều trị suy giáp bằng hormone levothyroxin tổng hợp (LT4) là liệu pháp điều trị duy nhất được phê duyệt. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc điều độ và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tình trạng suy giáp sẽ được kiểm soát tốt và chất lượng cuộc sống thường ngày không bị ảnh hưởng.

 

Vũ Thị Thúy, Phạm Lý Mộng Kiều, Nguyễn Hoàng Nam