Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?

Đường huyết của mỗi người sẽ thay đổi lên hoặc xuống trong ngày, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thức ăn, đồ uống, vận động,…Ở người bình thường, chỉ số đường huyết được duy trì trong một giới hạn an toàn. Tuy nhiên, một số lý do có thể làm đường huyết giảm thấp hoặc tăng cao hơn mức bình thường. Điều này có thể tiềm ẩn nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Vậy chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?
Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?

Hạ đường huyết quá mức

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết được đặc trưng bởi sự giảm nồng độ glucose trong máu đến dưới mức 70 mg/dL [1]. Hạ đường huyết sẽ trầm trọng hơn khi nồng độ này giảm dưới 54 mg/dL, gây ra các triệu chứng và/hoặc dấu hiệu như tổn thương nhận thức không phục hồi hay kích thích hệ thần kinh giao cảm.

Hạ đường huyết được chia thành 3 mức độ tùy thuộc vào nồng độ glucose huyết [1]:

  • Độ 1: glucose huyết <70 mg/dL và  ≥54 mg/dL
  • Độ 2: glucose huyết <54 mg/dL 
  • Độ 3: xảy ra biến cố trầm trọng đặc trưng bởi sự thay đổi trạng thái tâm thần và/hoặc thể chất, cần hỗ trợ điều trị tình trạng hạ đường huyết, bất kể mức độ đường huyết của bệnh nhân.

Nguyên nhân của hạ đường huyết

Hầu hết các trường hợp hạ đường huyết nặng (độ 2-3) xảy ra ở bệnh nhân điều trị đái tháo đường sử dụng quá nhiều insulin hoặc một số loại thuốc khác kích thích tuyến tụy giải phóng insulin vào máu (đặc biệt là nhóm sulfonylureas và glinides). Đây là một biến chứng cấp tính và nguy hiểm vì não đòi hỏi nguồn cung cấp glucose liên tục và không thể dùng các nguyên liệu thay thế như các mô ngoại vi [2].

Một số nguyên nhân phổ biến khác của tình trạng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: ăn không đủ lượng carbohydrate, trì hoãn hoặc bỏ bữa ăn, tăng cường tập thể dục hoặc hoạt động thể chất so với thường ngày mà không ăn nhiều hơn hoặc điều chỉnh thuốc, uống rượu [3].

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Phản ứng của mỗi người đối với tình trạng hạ đường huyết là khác nhau. Các triệu chứng bao gồm chóng mặt, lo lắng/khó chịu, run rẩy, nhức đầu, đổ mồ hôi, đói, lú lẫn, buồn nôn, mất điều hòa, đánh trống ngực/nhịp tim nhanh và mờ mắt. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật, hôn mê và tử vong [4].

Tự theo dõi đường huyết và sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM) giúp đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị và phát hiện tình trạng hạ đường huyết. Bệnh nhân nên hiểu các tình huống làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, chẳng hạn như khi nhịn ăn để làm các xét nghiệm hoặc thủ thuật, khi bữa ăn bị trì hoãn, trong và sau khi uống rượu, tập thể dục cường độ cao và trong khi ngủ [1].

Tăng đường huyết

Tăng đường huyết là gì?

Ở một số người, tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian dài và có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng. Mức được sử dụng để định nghĩa đái tháo đường là nồng độ glucose huyết thanh lúc đói ≥126 mg/dL [1]. Nếu có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết (ăn nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), bạn cũng có thể được chẩn đoán đái tháo đường nếu nồng độ glucose huyết thanh ngẫu nhiên ≥ 200 mg/dL [1].

Nguyên nhân của tăng đường huyết

Các nguyên nhân gây tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: stress, tình trạng bệnh lý (như cảm lạnh), ăn quá nhiều (ăn vặt giữa các bữa ăn), thiếu hoạt động thể chất, quên liều thuốc điều trị đái tháo đường hoặc dùng không đúng liều lượng, điều trị quá mức các đợt hạ đường huyết hoặc do sử dụng một số loại thuốc (như steroid) [5].

Tăng đường huyết thỉnh thoảng cũng ảnh hưởng đến người không mắc đái tháo đường, nhưng thường chỉ xảy ra ở người đang trong tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc nhiễm trùng nặng [5].

Dấu hiệu nhận biết tăng đường huyết và biến chứng

Các triệu chứng tăng đường huyết ở người mắc đái tháo đường có khuynh hướng phát triển chậm trong vài ngày hoặc vài tuần [5]. Trong một số trường hợp, có thể không có triệu chứng cho đến khi lượng đường trong máu rất cao. Các triệu chứng có thể kể đến như tăng khát và khô miệng, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, mờ mắt, sụt cân, nhiễm trùng tái phát, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây [5].

Các đợt tăng đường huyết nhẹ thường không nguy hiểm và có thể tự trở về mức bình thường hoặc được kiểm soát dễ dàng. Đường huyết tăng rất cao có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như nhiễm toan ceton do đái tháo đường hoặc tình trạng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết [5]. Tình trạng tăng đường huyết thường xuyên trong một thời gian dài (nhiều tháng hoặc nhiều năm) có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn các bộ phận của cơ thể như mắt, dây thần kinh, thận và mạch máu [5].

Mục tiêu của điều trị tăng đường huyết

Ở đa số bệnh nhân đái tháo đường là người trường thành không mang thai, chỉ số đường huyết mong muốn khi điều trị là đưa đường huyết mao mạch trước bữa ăn về mức 80-130 mg/dL và đường huyết đỉnh mao mạch (sau khi ăn khoảng 1-2 giờ) xuống dưới 180 mg/dL [1]. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân.

Kết luận

Đường huyết trong cơ thể được điều hòa và cần được kiểm soát trong một giới hạn an toàn. Chỉ số đường huyết tăng quá thấp hoặc quá cao đều có thể gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý theo dõi thường xuyên đường huyết để kịp nhận biết nếu chỉ số đường huyết bất thường. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, bao gồm các biện pháp thay đổi lối sống và sử dụng thuốc, nhằm kiểm soát tối ưu đường huyết, trì hoãn tiến triển bệnh và phòng ngừa các biến chứng.

Phan Thị Anh Thư, Võ Thị Minh Anh, Hoàng Thị Thu Phương, Nguyễn Hoàng Nam

Cố vấn chuyên môn: Võ Phùng Nguyên