Bí quyết vàng để mở nhà thuốc thành công

Nếu bạn đang có dự định mở nhà thuốc thì đừng bỏ qua bài viết này, đây là những kiến thức bổ ích giúp bạn triển khai kế hoạch đầy đủ, dễ dàng hơn. Cùng tìm hiểu và ghi lại để bắt đầu hiện thực hóa kế hoạch của mình nhé:

1. Chuẩn bị vốn mở nhà thuốc

Tất nhiên rồi, khởi nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào, đầu tiên bạn cần có trong tay một số vốn nhất định. Đối với kế hoạch mở nhà thuốc cũng không ngoại lệ, để biết mình cần vốn bao nhiêu, bạn phải chia nhỏ các khoản phí theo kế hoạch. Thông thường, bạn cần đầu tư vào các mục sau:

  • Chi phí thuê mặt bằng:

Một vị trí đắc địa cho nhà thuốc luôn là nơi có dân cư đông đúc, nhiều người qua lại. Chính vì thế giá mặt bằng cũng khá cao, tuỳ thuộc vào khu vực nông thôn, thành thị; trung tâm hay ngoại thành. Nếu một nhà thuốc ở nông thôn, bạn chỉ mất khoảng 3-5 triệu đồng tiền mặt bằng nhưng con số đó có thể lên đến 10 thậm chí hơn nếu thuê ở thành phố lớn như Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh. Điều này còn phụ thuộc vào quy mô nhà thuốc. Bạn tìm hiểu địa điểm, rồi giá thành thuê theo m2 và nhân lên sẽ dự trù được chi phí cần bỏ ra.

  • Chi phí đầu tư trang thiết bị (cơ sở vật chất)

Đây là khoản đầu tư ban đầu lớn nhất mà bạn cần chuẩn bị. Dự trù kinh phí bằng cách liệt kê chi tiết tất cả các danh mục mặt hàng cần mua và tìm hiểu về giá thành từng sản phẩm. Từ tủ thuốc cho tới bảng hiệu, quầy, đèn… ít nhất bạn cần chuẩn bị khoảng 50 triệu cho quy mô vừa và nhỏ.

bi quyet mo nha thuoc thanh cong
Chi phí đầu tư cơ sở vật chất của nhà thuốc
  • Chi phí thuê nhân sự

Một mình bạn không thể lo được tất cả các khâu khi mở nhà thuốc. Chính vì vậy, thuê thêm nhân sự là điều bắt buộc, ít nhất cần 2 người cho việc bán hàng. Hơn nữa, bạn cần thuê người làm kế toán để lo giấy tờ, hoá đơn… Chi phí cho mỗi nhân lực dao động từ 7-10 triệu đồng.

  • Chi phí nhập hàng

Đây là chi phí hàng tháng chiếm khoản tiền lớn đối với nhà thuốc, nhất là khi mới mở, số lượng nhập hàng rất lớn với nhiều mặt hàng. Số tiền bạn cần chuẩn bị khoảng 100 triệu đồng dành riêng cho việc nhập các loại thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng….

Từ những khoản chi trên, bạn hãy cân đối để phù hợp với quy mô nhà thuốc của mình để chuẩn bị khoản vốn phù hợp nhé.

2. Lựa chọn địa điểm để mở nhà thuốc

Như đã nói bên trên, địa điểm mở nhà thuốc chắc chắn phải là nơi đông dân cư, đông người qua lại. Bạn có thể tìm hiểu các mặt bằng gần trường học, khu công nghiệp, khu dân cư… để có lượng người quy tụ lớn, dễ phát sinh nhu cầu hàng ngày. 

Một mặt bằng tốt vừa có lượt người qua lại đông đồng thời phải sáng sủa, thông thoáng để dễ nhìn, muốn vào. Một không gian sạch sẽ, thoáng đãng, chăm chút sẽ giúp khách hàng yên tâm khi mua những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ.

Địa điểm mở nhà thuốc cần là nơi thoáng, dễ nhìn, nhiều người qua lại

Bí quyết vàng để mở nhà thuốc thành công
Địa điểm mở nhà thuốc cần là nơi thoáng, dễ nhìn, nhiều người qua lại

3. Quy trình giấy tờ, thủ tục để kinh doanh nhà thuốc

Để có thể đưa nhà thuốc đi vào hoạt động, bạn cần có đủ các loại giấy tờ được chứng nhận, cấp phép, cụ thể như sau:

  • Các loại giấy tờ bắt buộc:

Giấy chứng nhận hành nghề Dược do Sở Y tế cấp;

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND Quận/huyện cấp;

Giấy chứng nhận nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP;

Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do Sở Y tế.

  • Đăng ký giấy chứng nhận hành nghề Dược do Sở Y tế cấp gồm:

Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận hành nghề Dược;

Bản sao các văn bằng chuyên môn chứng thực;

Phiếu lý lịch tư pháp;

Giấy chứng nhận đủ sức khỏe hành nghề do cơ sở khám bệnh cấp;

Giấy xác nhận để chứng thực thời gian thực hành, làm việc tại các cơ sở dược hợp pháp do người đứng đầu cơ sở cấp;

Bản cam kết thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật về Dược có liên quan;

Bản sao căn cước công dân có công chứng;

2 ảnh chân dung ( loại 4×6 )

Riêng đối với cán bộ, công nhân viên chức muốn kinh doanh nhà thuốc, cần có giấy phép hành nghề ngoài giờ do thủ trưởng cơ quan làm việc cấp;

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND Quận/ huyện cấp. Các loại giấy tờ cần chuẩn bị để xin cấp chứng nhận bao gồm: 

Chứng chỉ hành nghề Dược;

Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh;

Bản sao chứng thực giấy chứng minh nhân dân của Dược sĩ chủ nhà thuốc;

Giấy tờ là khâu đau đầu khi bạn muốn mở nhà thuốc đòi hỏi sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng

Cấp giấy chứng nhận hành nghề Dược
Giấy tờ là khâu đau đầu khi bạn muốn mở nhà thuốc đòi hỏi sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng
  • Giấy chứng nhận nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP

Để nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, bạn cần xin cấp với các loại giấy tờ sau:

Đơn đăng ký kiểm tra điều kiện bán lẻ thuốc theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (Mẫu số 1/GPP);

Bản kê khai cơ sở vật chất trang thiết bị, danh sách nhân sự;

Bản tự kiểm tra GPP theo Danh mục kiểm tra (Checklist) tại Phụ lục II Thông tư số 46/2011/TT-BYT.

Hãy chuẩn bị tất cả các giấy tờ cần thiết để vận hành nhà thuốc đúng quy định nhé.

4. Tìm nguồn hàng chất lượng

Mặt hàng dược phẩm, y tế là một trong những sản phẩm đòi hỏi tính cẩn thận cực kỳ cao vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Trong khi đó, thị trường thuốc giả ngày một nhiều, khó kiểm soát hơn. Chính vì vậy, dược sĩ chuyên môn cần thật tỉnh táo để lựa chọn nguồn hàng tốt, chất lượng, uy tín. Cần tham khảo nhiều địa chỉ, cấp phép, chứng từ rõ ràng.

5. Lựa chọn nhân sự hiệu quả

Với bất kỳ ngành hàng nào, nhân sự luôn là yếu tố quan trọng trong vận hành. Dược sĩ có nhiều tiêu chí cần tuyển chọn khắt khe, phù hợp với công việc. Nhân viên bán hàng phải có trình độ chuyên môn để đọc đơn, bán thuốc và tư vấn chuẩn xác cho khách hàng. Tùy theo trình độ của dược sĩ bán thuốc từ tốt nghiệp trung cấp dược đến cao đẳng, đại học sẽ phù hợp với mô hình cũng như khả năng chi trả lương của bạn.

6. Đào tạo nhân viên đứng quầy

Nhân viên đứng quầy trực tiếp tương tác, tư vấn với khách hàng, có thể coi như bộ mặt của nhà thuốc. Chính vì thế khi mở nhà thuốc, không chỉ tuyển đúng người, bạn cần đào tạo bài bản để thu hút được khách hàng. Ăn nói dõng dạc, lưu loát, có khả năng tư vấn, trách nhiệm là những yêu cầu cần có. Không chỉ đơn thuần là một người giỏi chuyên môn, nhân viên đứng quầy cần được đào tạo để có kỹ năng xử lý vấn đề nhanh nhạy, chăm sóc khách… Để nhà thuốc vận hành tốt, bạn đừng bỏ qua khâu này nhé.

Tạm kết:

Trước khi mở nhà thuốc cho riêng mình, dược sĩ hay đọc kỹ những bí quyết vàng trên đây để lưu lại kinh nghiệm cho mình nhé. Tích luỹ được vốn để hiện thực mong muốn mở nhà thuốc là điều cực kỳ khó khăn, vì vậy hãy lên một kế hoạch thật chi tiết để vận hành trôi chảy. Chúc các dược sĩ thành công!

DS Thái Hoàng Trí