5 dấu hiệu nhận biết bệnh tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, sản xuất các hormone đóng vai trò chính trong hầu hết các quá trình của tế bào. Bất kì sự thay đổi bất thường nào của tuyến giáp cũng có thể tác động lớn đến việc thực hiện các chức năng bình thường của cơ thể. Điều đó khiến nhiều người lo lắng và muốn nhận biết sớm hơn về bệnh lý tuyến giáp. Sau đây là 5 dấu hiệu nhận biết bệnh tuyến giáp cần lưu ý.

Dấu hiệu 1: Bướu cổ

Bướu cổ là sự phình to ra của tuyến giáp và là dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc bệnh tuyến giáp [1]. Tuy nhiên, cần lưu ý bạn cũng có thể mắc tình trạng bướu cổ không độc (non-toxic goiter) xảy ra khi tuyến giáp lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không bị viêm hoặc u.

Tuyến giáp là cơ quan duy nhất có thể hấp thụ i-ốt – là nguyên liệu cần thiết để sản xuất các hormone giáp là T3 và T4. Ở bệnh nhân suy giáp hoặc thiếu i-ốt, tuyến giáp được kích thích liên tục để sản sinh ra đủ lượng hormone giáp cần thiết, làm kích thước tuyến giáp trở nên lớn hơn. Bướu cổ lớn có thể cản trở việc nuốt hoặc thở [1, 2].

Dấu hiệu 2: Thay đổi về chuyển hóa và thần kinh cơ

Bệnh nhân cường giáp có những biểu hiện thay đổi về chuyển hóa như sợ nóng, thân nhiệt tăng, khó ngủ, sụt cân nhanh, tiêu chảy, run tay, teo cơ. Ngược lại, bệnh nhân suy giáp sẽ sợ lạnh, thân nhiệt giảm, mệt mỏi, buồn ngủ, tăng cân, táo bón, tiểu ít, yếu cơ, loãng xương [1].

Nồng độ cholesterol trong máu giảm ở bệnh nhân cường giáp và tăng ở bệnh nhân suy giáp. Khi hormone giáp tăng cao, tốc độ trao đổi chất có thể tăng lên 60-100% so với bình thường, dẫn đến tăng sử dụng glucose, chất béo và protein [1]. Hormone tuyến giáp cũng làm tăng cường chức năng của đường tiêu hóa, gây tăng nhu động ruột và tăng sản xuất các chất bài tiết đường tiêu hóa. Tăng cảm giác thèm ăn nhưng sụt cân có thể xảy ra ở bệnh nhân có sự gia tăng hormone giáp do cơ thể sử dụng nhiều calo [1].

Bên cạnh đó, hormone tuyến giáp có sự ảnh hưởng rõ rệt đến thần kinh cơ. Khi nồng độ hormone giáp tăng, cơ xương sẽ phản ứng mạnh mẽ gây run cơ; ngược lại, khi hormone giáp giảm sẽ phản ứng chậm chạp làm yếu cơ. Ở bệnh nhân cường giáp, protein cơ bị phân hủy và được sử dụng làm nhiên liệu có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mỏi cơ [1].

Dấu hiệu 3: Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

Các rối loạn nội tiết làm khởi phát rối loạn kinh nguyệt trong suốt thời gian sinh sản của phụ nữ. Các tuyến nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận và buồng trứng) có vai trò chức năng trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Độ dài chu kỳ kinh nguyệt và lượng máu kinh có thể là chỉ dấu của rối loạn nội tiết. Thưa kinh (chu kỳ dài hơn 35 ngày) là rối loạn kinh nguyệt phổ biến nhất trong số các rối loạn nội tiết có liên quan đến tuyến giáp [3].

Đối với bệnh tuyến giáp, cụ thể là cường giáp thì lượng kinh nguyệt ít hoặc không có kinh nguyệt. Trong khi đó, bệnh nhân suy giáp sẽ có hiện tượng rong kinh (thời gian hành kinh dài hơn và lượng máu mất đi nhiều hơn bình thường) [4].

Dấu hiệu 4: Các thay đổi về tim mạch

Hormone giáp điều hòa biểu hiện gen và hoạt động của cơ tim và cơ trơn mạch máu [2]. Do đó, bệnh nhân cường giáp có nhịp tim nhanh (>100 lần/phút), huyết áp tâm thu cao, tăng chỉ số cơ tim, phì đại cơ tim, giảm sức cản mạch ngoại vi và tăng áp lực hệ thống. Cường giáp là một nguyên nhân phổ biến của bệnh rung nhĩ.

Ngược lại, bệnh nhân suy giáp có nhịp tim chậm (<60 lần/phút), huyết áp tâm thu thấp, giảm chỉ số cơ tim, tràn dịch màng tim, tăng sức cản ngoại vi và tăng áp lực động mạch [2].

Dấu hiệu 5: Da, tóc và móng suy yếu

Hormone tuyến giáp đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển và duy trì các nang tóc. Nang là những túi nhỏ dưới da mà từ đó tóc mọc lên. Suy giáp hoặc cường giáp nặng hoặc kéo dài có thể dẫn đến rụng tóc [1].  

Trong rối loạn chức năng tuyến giáp, ngoài rụng tóc ở da đầu, các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng, chẳng hạn như lông mày và lông trên cơ thể [5].

Rối loạn chức năng tuyến giáp khiến da sẫm màu ở các nếp gấp da, lòng bàn tay và lòng bàn chân có màu vàng cam. Ngoài ra, cũng làm cho móng dễ bong tróc, vỡ vụn, hoặc dễ gãy [6].

Kết luận

Bệnh tuyến giáp liên quan đến nhiều triệu chứng đa dạng nhưng không đặc trưng, có thể nhầm lẫn hoặc không phân biệt được với các tình trạng y khoa khác. Trên đây là một số dấu hiệu có thể gợi ý bệnh tuyến giáp. Nếu không có bất cứ dấu hiệu nào kể trên, điều đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn không có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp. Nếu có những triệu chứng hay dấu hiệu trên, bạn nên đến cơ sở y tế kiểm tra để đảm bảo tuyến giáp hoạt động bình thường và sức khỏe của bản thân.

 

Phạm Lý Mộng Kiều, Hoàng Thị Mỹ Huyền, Nguyễn Hoàng Nam

Cố vấn chuyên môn: Võ Phùng Nguyên