Tăng huyết áp hiện là vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng và được cộng đồng quan tâm. Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tỷ lệ bệnh tật và tử vong do tim mạch cao nhất trên toàn cầu.
Vậy nên lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp nào nào để kiểm soát hiệu quả bệnh ắt hẳn là vấn đề được nhiều bệnh nhân cũng như các chuyên gia y tế quan tâm?
1. Khái quát về bệnh lý tăng huyết áp
Huyết áp phụ thuộc vào 2 đại lượng là cung lượng tim và kháng lực ngoại biên. Hệ thần kinh giao cảm cũng đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp (2).
Ở tim (thụ thể β1, β2), kích hoạt giao cảm làm tăng nhịp tim, lực co bóp và tốc độ dẫn truyền, cho phép tăng cung lượng tim để cung cấp máu có oxy cho cơ thể (3). Ở nhiều bệnh nhân, tăng huyết áp bắt đầu và kéo dài, ít nhất cũng liên quan đến một phần do cường giao cảm (4).
Một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm soát huyết áp kém là sự thiếu kiểm soát huyết áp tâm thu ở những bệnh nhân tăng huyết áp lớn tuổi và thiếu kiểm soát huyết áp tâm trương ở những bệnh nhân tăng huyết áp trẻ tuổi (5).
Theo ESC 2018 khuyến cáo bệnh nhân tăng huyết áp nên kiểm soát tần số tim ≤ 80 lần/phút (6). Khi kiểm soát huyết áp cần lựa chọn thuốc dựa vào việc kiểm soát được 3 yếu tố đó là huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và tần số tim.
2. Lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp hợp lý
Có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp được sử dụng để điều trị tăng huyết áp trên lâm sàng. Trong đó có một số nhóm thuốc được ưu tiên để điều trị gồm:
- Thuốc lợi tiểu thiazide và thiazide-like
- Thuốc chẹn kênh canxi (CCB)
- Thuốc ức chế men chuyển (ACEi)
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)
- Thuốc chẹn beta (7,8)
Bên cạnh đó thuốc chẹn beta (BB) được khuyến cáo bắt buộc khi bệnh nhân có suy tim, đau thắt ngực, rung nhĩ, phụ nữ có thai hoặc bệnh nhân cần kiểm soát tần số nhịp.
2.1. Thuốc lợi tiểu thiazide và thiazide-like (7)
Thường là thuốc đầu tay trong điều trị tăng huyết áp và có thể được sử dụng đơn trị hoặc kết hợp với các thuốc hạ huyết áp khác. Thuốc có thể được sử dụng ở mọi nhóm tuổi trừ khi có chống chỉ định.
Nghiên cứu cho thấy thuốc lợi tiểu loại thiazide (chlorthalidone và indapamide) có hiệu quả tốt hơn trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch với chi phí thấp hơn. Thiazide tốt hơn các chất ức chế ACE trong việc giảm huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ.
2.2. Thuốc chẹn kênh canxi (CBC) (7)
Tương tự như thuốc lợi tiểu loại thiazide và thiazide-like, CCB được khuyến cáo sử dụng đầu tay hoặc kết hợp với các thuốc hạ huyết áp khác. Thuốc dùng được ở tất cả bệnh nhân tăng huyết áp bất kể tuổi tác và chủng tộc, ngoại trừ những bệnh nhân có chống chỉ với nhóm thuốc này.
CCB đã được chứng minh là làm giảm các biến cố tim mạch, tương tự như thuốc lợi tiểu thiazide. Thuốc có thể được sử dụng như một giải pháp thay thế tốt nhất cho các thiazide khi bệnh nhân không dung nạp thiazide. CCB tốt hơn ACEi trong việc giảm huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ và suy tim.
2.3. Thuốc ức chế men chuyển (ACEi) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) (7)
ACEi và ARB là thuốc hạ huyết áp được lựa chọn cho bệnh nhân suy tim và bệnh thận mãn tính. Thuốc được chỉ định điều trị đầu tay cho những bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính với bằng chứng của protein niệu.
Không phụ thuộc vào tác dụng hạ huyết áp, thuốc cũng được chứng minh là có tác dụng bảo vệ tim mạch ở những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
2.4. Thuốc chẹn beta
Nhóm chẹn beta được chứng minh làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do tim mạch (7).
Tăng huyết áp nguyên phát ở bệnh nhân trẻ tuổi hoặc trung niên một phần cũng liên quan bởi hoạt động cường giao cảm. Ở nhóm tuổi này, nhịp tim khi nghỉ cao và nồng độ norepinephrine trong huyết tương cao có liên quan đến các biến cố tim mạch sớm và tử vong.
Thuốc được khuyến khích trong điều trị vì làm giảm được huyết áp tâm trương, huyết áp tâm thu và nhịp tim giúp bệnh nhân kiểm soát được các biến cố tim mạch (8). Đặc biệt nhóm chẹn beta được chỉ định ở bất cứ bước nào nếu bệnh nhân có tăng huyết áp đi kèm với suy tim, đau thắt ngực, sau NMCT, rung nhĩ, kiểm soát tần số nhịp hoặc phụ nữ có thai. (9)
Nhìn chung, để lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả cần xác định các chống chỉ định, thể trạng, tình trạng bệnh kèm của từng bệnh nhân. Khi lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp cần khởi đầu với liều thấp để tránh hạ huyết áp quá nhanh.(8), (9)
Hà Trần Thảo Minh, Nguyễn Thị Thanh Ngân, Trần Quỳnh Nhi, Lê Huỳnh Đức Minh
Cố vấn chuyên môn Dược: PGS. TS. Võ Phùng Nguyên, Cố vấn trưởng Khoa Dược, đại học HUTECH
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hering D, Trzebski A, Narkiewicz K. Recent advances in the pathophysiology of arterial hypertension – potential implications for clinical practice. Pol Arch Intern Med [Internet]. 1 Tháng Ba 2017 [cited 31 Tháng Mười 2022]; Available at: http://pamw.pl/en/node/3971
- Hirooka Y. Sympathetic Activation in Hypertension: Importance of the Central Nervous System. Am J Hypertens. 21 Tháng Mười 2020;33(10):914–26.
- Alshak MN, M Das J. Neuroanatomy, Sympathetic Nervous System. Trong: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 [cited 31 Tháng Mười 2022]. Available at: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK542195/
- Benowitz NL. CARDIOVASCULAR-RENAL DRUGS. Trong: Basic & Clinical Pharmacology. 14th a.b Mc Graw Hill; 2018. tr 178.
- Hisamatsu T. Control Rates of Systolic and Diastolic Blood Pressure among Hypertensive Adults in Korea. Korean Circ J. 2019;49(11):1049.
- Williams B, Mancia G, Spiering W, Agabiti Rosei E, Azizi M, Burnier M, và c.s. 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension. Eur Heart J. 1 Tháng Chín 2018;39(33):3021–104.
- Khalil H, Zeltser R. Antihypertensive Medications. Trong: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 [cited 31 Tháng Mười 2022]. Available at: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554579/
- Guideline ESC/ESH 2018
- Cruickshank JM. The Role of Beta-Blockers in the Treatment of Hypertension. Trong: Islam MdS, biên tập viên. Hypertension: from basic research to clinical practice [Internet]. Cham: Springer International Publishing; 2016 [cited 31 Tháng Mười 2022]. tr 149–66. (Advances in Experimental Medicine and Biology; vol 956). Available at: http://link.springer.com/10.1007/5584_2016_36
- Hướng dẫn điều trị THA của VSH 2022.